Thay đổi trong giải pháp điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

14/02/2024, 08:42
báo nói -

TCDN - Phó thống đốc Đào Minh Tú nhận định, năm 2024 sẽ là năm hành động quyết liệt hơn nữa của ngành Ngân hàng để đạt được các mục tiêu điều hành đặt ra. Ngành Ngân hàng phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%, đồng thời đưa khoảng 2 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế.

Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, số liệu thống kê ghi nhận tăng trưởng tín dụng năm 2023 ở khoảng hơn 12%, tuy nhiên việc ghi nhận và cập nhật số liệu chính xác có độ trễ, do đó cập nhật đến 31/12/2023, dữ liệu cho tăng trưởng tín dụng cả năm đã đạt 13,5%.

Ông Tú đánh giá, hoạt động của ngành Ngân hàng năm 2023 đầy khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, ngân hàng trung ương nhiều nước tiếp tục neo giữ lãi suất điều hành ở mức cao... còn trong nước, các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều gặp thách thức do cầu thế giới thấp; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đơn hàng, thị trường sụt giảm....

Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Dẫu vậy, bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nghiêm túc quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2%/năm 

Năm 2023, NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường; các tổ chức tín dụng cũng được chỉ đạo tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.

Đối với lĩnh vực tín dụng, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong đó, đặc biệt là tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cho vay, đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt hồ sơ vay, đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc; gia tăng các chương trình, sản phẩm tín dụng đặc thù, ưu đãi..., tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục được chú trọng hoàn thiện, vừa bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, vừa bám sát yêu cầu thực tiễn, đáp ứng kịp với xu thế và chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tính đến ngày 25/12/2023, tổng số vốn giải ngân các Chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt hơn 107,3 nghìn tỷ đồng với hơn 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn trong năm. Tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội đạt 331,3 nghìn tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm 2022 với hơn 6,8 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đạt 38.225 tỷ đồng, hoàn thành 99,5% kế hoạch chương trình...

Phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%

Phó Thống đốc nhận định, năm 2024, triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, nền kinh tế dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, NHNN sẽ tiếp tục tập trung vào một số định hướng, giải pháp trọng tâm.

Trước hết, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ; phối hợp hài hòa, chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.

Mặt khác, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các TCTD yếu kém. Song song với đó chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các NHTM yếu kém) dưới 3%.

NHNN cũng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.

Đặc biệt, ông Tú cho hay, trong năm 2024, NHNN tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện hồ sơ dự án Luật các TCTD (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; xây dựng, trình ban hành/ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết sau khi Luật các TCTD (sửa đổi) được ban hành.

Năm 2024, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2024 NHNN tiếp tục điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Định hướng tín dụng năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Năm 2024, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế.

Nếu như ngân hàng, tổ chức tín dụng nào đạt được chỉ tiêu đó mà vẫn có khả năng cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm chất lượng cũng như an toàn hệ thống, bảo đảm điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép thì chúng tôi sẽ tiếp tục giao thêm.

Ông Đào Minh Tú hy vọng: “Qua đó muốn nói rằng, cả về cơ chế, định hướng của Chính phủ, những điều kiện về lãi suất, nhu cầu vay, điều kiện vay của doanh nghiệp cũng như cơ chế vận hành chung của các tổ chức tín dụng, mong rằng năm 2024 sẽ khởi sắc hơn rất nhiều so với năm 2023”.

Để làm đạt được kết quả trên, NHNN Tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh.

Hoàng Nhung (Tạp chí in số tháng 1+2/2024)
Bạn đang đọc bài viết Thay đổi trong giải pháp điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Hoa Kỳ xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ
Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam, Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) vào danh sách giám sát hoạt động ngoại hối trong kỳ báo cáo mới đây nhưng đã tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ.