Đại biểu Quốc hội đề nghị đồng bộ chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách thuế
TCDN - Nhằm tháo gỡ khó khăn, khắc phục điểm nghẽn và bất cập trong phát triển kinh tế, một số Đại biểu Quốc hội đề nghị tập trung đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách thuế cho xuất khẩu, hoàn thuế, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp.
Trong chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã hiến kế để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay.
ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) chỉ ra thực tế thể chế chính sách còn mâu thuẫn, điều kiện kinh doanh còn nhiều rào cản, đặc biệt là việc chậm trễ, kém hiệu quả trong thực thi chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, khắc phục điểm nghẽn và bất cập trong phát triển kinh tế, ông Bình đề nghị tập trung đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách thuế cho xuất khẩu, hoàn Thuế giá trị gia tăng (GTGT), tạo thanh khoản cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần xác định những ngành chủ lực để hỗ trợ tín dụng ưu đãi; giảm chi phí và hạn chế kiểm tra, thanh tra, không ban hành thêm văn bản gây khó; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, điện và xăng dầu, có chế tài bồi thường cho doanh nghiệp khi cắt điện sản xuất; kích cầu tiêu dùng, giảm Thuế GTGT, Thuế thu nhập doanh nghiệp, kích cầu đầu tư...
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ĐBQH Trần Anh Tuấn (Tp.HCM) cho rằng hiện nay Thuế GTGT đã giảm từ 10% xuống 8% cho một số mặt hàng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong việc áp dụng đối với chính sách thuế này vì không biết sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của họ có được áp 8% hay không. Để kích cầu nền kinh tế, theo ĐBQH Tuấn, nên giảm Thuế GTGT cho tất cả mặt hàng thay vì chỉ một số mặt hàng.
Hiến kế để phát triển kinh tế, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nhấn mạnh để phục hồi và phát triển kinh tế, tiền bạc là quan trọng nhưng điều quan trọng hơn tiền bạc là thể chế. "Thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn ngược lại thì có tiền chúng ta cũng không tiêu được" - ông Lộc nói.
Vì vậy, theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc, vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Song song đó, phải khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập và nhất là thiếu minh bạch, đang gây rủi ro cho người thực hiện; phải gỡ bỏ được tâm lý sợ oan, sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ, công chức và doanh nghiệp.
ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng đồng quan điểm và đề nghị phải coi cải cách thể chế như là một nguồn lực và cần sớm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế, coi đây là một điểm đột phá quan trọng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899