Thêm khách hàng tố VNTour lừa tiền thông qua hợp đồng du lịch

23/04/2025, 13:11
báo nói -

TCDN - Mặc dù chị Phương đã thanh toán hợp đồng du lịch trước gần 1 tháng để VNTour làm thủ tục, nhưng tới sát ngày bay, công ty này lại báo visa trễ hạn. VNTour dù hứa hẹn hoàn tiền nhiều lần nhưng tới nay chị Phương vẫn chưa nhận lại.

Sau khi Tài chính doanh nghiệp đăng bài Công ty CP VNTour (VNTour) bị phản ánh đem con bỏ chợ, tòa soạn tiếp tục nhận được thông tin khách hàng tố cáo VNTour với thủ đoạn tương tự.

Nạn nhân VNTour làm đơn gửi công an vì không đòi được tiền

Cụ thể, mới đây chị Lê Ngọc Nguyên Phương (Tp.HCM) đã có đơn tố cáo, cho rằng chị bị VNTour lừa hơn 30 triệu đồng thông qua hợp đồng du lịch.

Theo đó, ngày 13/3, chị đã ký hợp đồng du lịch hơn 30 triệu đồng đi HongKong với VNTour. Sau khi thanh toán, tới ngày 3/4, cách 2 ngày là đến ngày khởi hành (5/4/2025), bên VNTour thông báo visa ra trễ hạn và xác nhận khách được hoàn 100% tiền tour vào tài khoản cá nhân.

Chị Phương đã thánh toán cho VNTour hơn 30 triệu nhưng sát ngày bay VNTour lấy lý do trễ hẹn visa, vẫn chưa hoàn tiền cho khách.

Chị Phương đã thánh toán cho VNTour hơn 30 triệu nhưng sát ngày bay VNTour lấy lý do trễ hẹn visa, vẫn chưa hoàn tiền cho khách.

Tuy nhiên sau nhiều lần liên hệ yêu cầu hoàn tiền, VNTour vẫn chưa thực hiện.

“Dù đã rất nỗ lực liên hệ, đến nay tôi vẫn chưa được hoàn tiền tour vào tài khoản của mình, trễ hạn rất nhiều ngày so với cam kết hoàn tiền của VNTour. Thậm chí, khi trao đổi với VNTour, tôi rất bức xúc với cách làm việc không chuyên nghiệp, đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau và tỏ thái độ xem thường khách hàng của các nhân viên của công ty” – Chị Phương bức xúc.

Lo lắng bị VNTour lừa đảo, không lấy lại được số tiền trên, chị Phương cho biết sẽ trình trình báo vụ việc với công an.

“Hiện tôi đang hoàn thiện hồ sơ để trình báo vụ việc với Công an Huyện Nhà Bè (nơi tôi thường trú). Tuy nhiên, nhận thấy tình hình tội phạm nguy hiểm, chiêu trò lừa đảo tinh vi và sẽ diễn biến phức tạp khi nhu cầu du lịch tăng cao do dịp lễ 30/4 đến gần, tôi xin phép trình báo vấn đề này với Quý Tạp chí. Kính mong nhận được hỗ trợ thêm trong quá trình xử lý vụ việc cũng như có phương án phổ biến thông tin để cảnh cáo, răn đe các đối tượng lừa đảo, đồng thời cảnh báo đến rất nhiều những khách hàng khác có ý định đặt tour tại VNTour” – Chị Phương trao đổi.

Liên quan tới vụ việc này, trước đó ngày 15/4, Tài chính doanh nghiệp đã phản ánh về việc anh Trần Đức Khang (đại điện cho đoàn khách 87 người) bị VNTour "bỏ rơi" tại Singapore, không thực hiện thanh toán tiền hướng dẫn viên và tiền vé máy bay từ Sing - Hà Nội.

Sau đó, VnTour dù xác nhận sẽ thanh toán các chi phí phát sinh, tuy nhiên, bên anh Khang đã gửi mail yêu cầu xác nhận nhiều lần nhưng VnTour vẫn chưa thanh toán trả tiền.

Hiện anh Khang đã ủy quyền cho luật sư để tiến hành các thủ tục pháp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

VNTour xâm hại quyền lợi người tiêu dùng

Liên quan tới việc VNTour tiếp tục bị nhiều khách hàng phản ánh, Thạc Sỹ - Luật Sư Nguyễn Văn Duy, Công ty Luật TNHH Hoàng Duy và Cộng Sự nhận định:

Mối quan hệ giữa VNTour và khách hàng là hợp đồng cung cấp dịch vụ du lịch – tức là hợp đồng dịch vụ theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, người tiêu dùng trong mối quan hệ này được pháp luật dành sự bảo vệ đặc biệt, theo quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024).

Việc tổ chức tour không đúng cam kết, trì hoãn hoặc không hoàn trả tiền, không có đầu mối tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, không minh bạch trong thông tin cung cấp dịch vụ... là các hành vi vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ cơ bản của bên cung cấp dịch vụ.

Thạc Sỹ - Luật Sư Nguyễn Văn Duy, Công ty Luật TNHH Hoàng Duy và Cộng Sự.

Thạc Sỹ - Luật Sư Nguyễn Văn Duy, Công ty Luật TNHH Hoàng Duy và Cộng Sự.

Đặc biệt, khi số lượng người bị hại tăng lên, hành vi kéo dài và có dấu hiệu lặp lại, cần đặt câu hỏi về mục đích và động cơ ban đầu của bên cung cấp dịch vụ – liệu có phải là sự vi phạm dân sự đơn lẻ, hay có yếu tố lợi dụng pháp nhân để trục lợi hoặc chiếm đoạt tài sản?.

Về nghĩa vụ dân sự và trách nhiệm hợp đồng VNTour có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ theo hợp đồng, như: Không cung cấp hoặc chậm cung cấp dịch vụ theo đúng thời gian, lịch trình, chất lượng đã cam kết; Không hoàn trả tiền theo thỏa thuận trong trường hợp không thực hiện dịch vụ; Từ chối, né tránh hoặc chấm dứt liên lạc khi khách hàng khiếu nại.

Những hành vi trên làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Điều 360, 419 Bộ luật Dân sự).

Về vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùngCăn cứ theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, các hành vi sau đây của VNTOUR có dấu hiệu vi phạm: Không cung cấp đầy đủ, chính xác và trung thực thông tin về dịch vụ du lịch; Không thực hiện đúng cam kết về chất lượng, thời hạn và điều kiện cung cấp dịch vụ; Không có bộ phận, phương thức tiếp nhận và giải quyết khiếu nại rõ ràng; Không hoàn trả tiền hoặc hoàn trả không đúng hạn, không minh bạch.

Các hành vi trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 99/2023/NĐ-CP, với mức phạt lên đến 200 triệu đồng, đồng thời bị buộc chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả.

Về dấu hiệu hình sự trong trường hợp có căn cứ cho thấy VNTour thu tiền tour của khách hàng nhưng không có ý định tổ chức tour ngay từ đầu, hoặc sử dụng pháp nhân để thực hiện hành vi gian dối, chiếm đoạt tiền của nhiều người, hoặc cố tình kéo dài thời gian hoàn tiền, chiếm dụng tiền với mục đích không minh bạch, thì có thể xem xét xử lý hình sự về các tội danh:

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự), hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 Bộ luật Hình sự).Vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm xâm phạm sở hữu có tổ chức, nếu VNTour thực hiện hành vi một cách có hệ thống, quy mô lớn, số tiền bị chiếm đoạt cao, số lượng bị hại nhiều, kéo dài trong thời gian dài và có tính chất nghiêm trọng..

Luật sư Duy cho rằng, hành vi của VNTour không đơn thuần là tranh chấp dân sự về hợp đồng du lịch, mà có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có tổ chức, có hệ thống, và có thể bị xử lý theo hướng hình sự nếu tiếp tục phát hiện mở rộng về quy mô và mức độ chiếm đoạt. Hành vi của VNTour không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế của người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến niềm tin xã hội đối với thị trường dịch vụ du lịch, làm mất uy tín của các doanh nghiệp chân chính, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh.

Đặc biệt, vụ việc này có nguy cơ làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với toàn ngành du lịch lữ hành, khiến người tiêu dùng trở nên dè dặt, thận trọng hoặc thậm chí e ngại khi lựa chọn mua tour, đặc biệt là từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ – nơi chiếm tỷ trọng lớn trong ngành. Sự sụt giảm niềm tin không chỉ ảnh hưởng đến dòng tiền lưu thông trong thị trường, mà còn tạo ra hệ lụy cho cả hệ sinh thái du lịch – bao gồm nhà vận chuyển, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú, điểm đến… và làm chậm lại quá trình phục hồi của ngành sau những cú sốc từ đại dịch.

Theo Luật sư Duy, việc chậm xử lý hoặc xử lý không triệt để có thể dẫn đến: Người tiêu dùng mất lòng tin vào cơ chế bảo vệ quyền lợi của pháp luật, Doanh nghiệp gian dối có thể tiếp tục lặp lại hành vi dưới danh nghĩa pháp nhân mới, Hình thành tiền lệ xấu và gây nguy cơ lan rộng hành vi trục lợi qua dịch vụ, Làm giảm uy tín chung của toàn bộ ngành du lịch lữ hành Việt Nam, cả trong nước lẫn quốc tế.

Trong khi chờ kết luận từ cơ quan điều tra, việc người tiêu dùng gửi đơn phản ánh, tố giác tội phạm, yêu cầu bảo vệ quyền lợi là hoàn toàn chính đáng và cần thiết.

Khuyến nghị đối với người tiêu dùng và cơ quan báo chí: Người tiêu dùng cần lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ, tin nhắn, email trao đổi với VNTOUR để làm bằng chứng. Chủ động liên hệ với nhóm bị hại hoặc luật sư đại diện để cùng tố cáo, tránh hành động đơn lẻ, kém hiệu quả. Báo chí nên tiếp tục đồng hành với các nạn nhân để phản ánh kịp thời những thủ đoạn vi phạm mới, đồng thời tạo sức ép xã hội để cơ quan chức năng xử lý nhanh chóng.

Châu Anh
Bạn đang đọc bài viết Thêm khách hàng tố VNTour lừa tiền thông qua hợp đồng du lịch tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Du lịch VnTour nói gì khi bị khách hàng tố “đem con bỏ chợ”?
Theo đơn thư phản ánh, Công ty CP VnTour đã ký hợp đồng trọn gói chuyến du lịch tham quan tại Singapore với khách hàng. Tuy nhiên, tại Singapore, đoàn khách đã phải tự thuê hướng dẫn viên, đặt vé chiều về… Sau đó dù hứa hẹn thanh toán, bồi thường nhiều lần nhưng VnTour vẫn chưa thực hiện.

x