Thị trường nợ Trung Quốc hứng đòn chí mạng từ làn sóng vỡ nợ của doanh nghiệp nhà nước
TCDN - Giới đầu tư đua nhau bán tháo, trong khi hàng loạt doanh nghiệp phải hủy phát hành mới bởi làn sóng vỡ nợ của nhiều tập đoàn nhà nước ở Trung Quốc.
Hôm 23/10, tập đoàn quốc doanh Huachen Automotive gây chấn động thị trường nợ của Trung Quốc chao đảo vì không thể thanh toán cho các trái chủ sau khi trái phiếu đáo hạn. Huachen là tập đoàn mẹ của Brilliance China Automotive Holdings - đối tác liên doanh chính của BMW tại Trung Quốc.
Sau đó, hàng loạt công ty thuộc sở hữu nhà nước khác cũng tuyên bố họ không thể trả nợ - bao gồm nhà sản xuất chip Tsinghua Unigroup.
Xung chấn chưa lắng xuống thì ngày 10/11, vụ vỡ nợ của Yongcheng Coal and Power Holding Group - một công ty khai thác thuộc sở hữu nhà nước ở tỉnh Hà Nam - tiếp tục giáng đòn chí mạng vào tâm lý thị trường.
Làn sóng vỡ nợ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc khiến hàng loạt công ty phải hủy phát hành mới. Số liệu của Nikkei Asian Review cho thấy, tính đến ngày 19/11, ít nhất 57 doanh nghiệp đã hoãn kế hoạch phát hành tổng cộng 44,2 tỷ NDT (tương đương 6,72 tỷ USD) chứng khoán thu nhập cố định trên thị trường nội địa.
An International Financial Leasing - công ty thuộc tập đoàn tài chính Ping An Insurance Group - là một trong số đó. Hôm 18/11, công ty quyết định ngừng phát hành 2,6 tỷ NDT (395 triệu USD) trái phiếu có kỳ hạn 240 ngày với lý do "biến động tương đối lớn trên thị trường trong thời gian gần đây".
Tập đoàn TCL Technology cũng hủy phát hành 1 tỷ NDT (152,04 triệu USD) trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lý do tương tự. TCL Technology nói thêm rằng giá phát hành trái phiếu không đáp ứng kỳ vọng của tập đoàn. Do biến động thị trường, các nhà đầu tư yêu cầu chiết khấu nhiều hơn so với mức mà tập đoàn chấp nhận.
Pingxiang Changxing Investment lại hứng chịu tổn thất từ một kịch bản khác khi bán trái phiếu hôm 13/11.. Công ty đã gia hạn thời gian đăng ký mua trái phiếu thêm một tiếng, song các đăng ký hợp lệ vẫn không đạt số lượng tối thiểu 200 triệu NDT (30,41 triệu USD). Trước đó, công ty đặt mục tiêu thu về 400 triệu NDT (60,82 triệu USD) từ đợt trái phiếu 7 năm.
Shaun Roache, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của S&P Global Ratings, nhận định chủ trương thắt chặt kiểm soát đã tạo sức ép lên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
"Siết chặt sẽ thúc đẩy sự lành mạnh của nền kinh tế về lâu dài, song sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay và năm tới", ông Roache giải thích.
Nikkei Asian Review dẫn lời Chang Li, một chuyên gia tài chính, cảnh báo rằng số lượng vụ vỡ nợ sẽ còn tăng trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang tái tập trung vào việc giảm đòn bẩy của các doanh nghiệp nhà nước khi thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch đã qua.
Chang Li cảnh báo bê bối của Yongcheng đã "dội gáo nước lạnh" vào thị trường trái phiếu. Công ty không thể trả khoản lãi và gốc trị giá 1 tỷ NDT (152,04 triệu USD. Một điều bất ngờ là China Chengxin International Credit Rating từng xếp hạng tín nhiệm AAA đối với Yongcheng.
Vụ vỡ nợ của Yongcheng cho thấy ưu tiên của chính quyền địa phương đã thay đổi. Khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, Bắc Kinh sẽ tăng tốc xóa nợ và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.
"Chủ trương ấy khiến các nhà đầu tư đua nhau bán tháo trái phiếu họ giữ và ngừng mua những trái phiếu mới phát hành", Chang Li nói.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899