Thích nghi với một Trung Quốc ngày càng khó tính

13/07/2019, 10:36

TCDN - Viết tiếp câu chuyện “Nông sản vào Trung Quốc sụt giảm: cần giải pháp mạnh” (TBKTSG ngày 4-7-2019), bài viết trong số báo này nêu ý kiến các chuyên gia phân tích về sự “khó tính” của thị trường Trung Quốc hiện nay, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp.

Thắt chặt nguồn gốc và chất lượng

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản hàng đầu của Việt Nam các doanh nghiệp trong ngành đều xác định Trung Quốc là thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn, chi phí vận chuyển thấp, trong bối cảnh nông sản Việt Nam mới tiếp cận được phân khúc rất nhỏ từ thị trường này. Nhưng bước sang năm 2019, xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc đang mất đà khi quốc gia này thắt chặt hơn tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm.

Nói về những thay đổi gần đây của Trung Quốc, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho hay Trung Quốc chỉ định cửa khẩu nhập khẩu nông sản, chi tiết đến cả cửa khẩu đường bộ, hàng không và đường thủy đối với từng mặt hàng trái cây, thủy sản, lương thực.

Bên cạnh quy định về “lối vào”, Trung Quốc còn tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc với nông sản nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Cơ quan quản lý nước này yêu cầu cơ quan chủ quản phía Việt Nam đăng ký vùng trồng, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc. Thậm chí, họ còn yêu cầu cụ thể về vật liệu đệm, lót trái cây như xốp lưới đối với dưa hấu, giấy dai kraft đối với chuối và mít....

Nhằm thống nhất quản lý đối với gạo nhập khẩu trong và ngoài hạn ngạch, Trung Quốc cũng đưa ra tiêu chuẩn cụ thể hơn về kích cỡ chiều dài và chiều rộng của hạt gạo. Hiện nay, tỷ lệ phân bổ hạn ngạch nhập khẩu đối với gạo hạt dài và hạt tròn là 50:50; gạo tấm không nằm trong đối tượng mặt hàng quản lý bằng hạn ngạch nhập khẩu.

Song song với những biện pháp kỹ thuật, Trung Quốc cũng tăng cường quản lý hoạt động trao đổi cư dân biên giới. Các mặt hàng nông sản không thuộc danh sách các mặt hàng nông sản đã được Trung Quốc mở cửa thị trường chính thức sẽ không được nhập khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới tại đường mòn, lối mở giữa hai nước như trước nữa.

Trung Quốc đang thắt chặt hơn những quy định mà họ ban hành trước đó, trong khi các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa chuẩn bị cho những thay đổi này, theo lãnh đạo Vụ thị trường châu Á - châu Phi. Đây cũng chính là lý do khiến xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm mạnh trong thời gian qua.

Những thay đổi gần đây của Trung Quốc, theo bà Oanh là không mới, quốc gia này chỉ thắt chặt hơn những quy định đã ban hành từ trước đó. Hơn nữa, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gần đây càng khiến Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng nông thủy sản nhập khẩu, đặc biệt là hàng tiểu ngạch.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng do chiến tranh thương mại, Trung Quốc chú trọng thúc đẩy nội nhu, bảo hộ thị trường trong nước bằng cách đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật hơn. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những tính toán cụ thể trong việc lựa chọn cơ cấu thị trường xuất khẩu.

Một Trung Quốc đã thay đổi

“Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính”, bà Oanh nhấn mạnh nhiều lần khi giải thích về sự thay đổi chính sách gần đây của quốc gia này. Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,4%/năm với 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu và thu nhập bình quân đầu người khoảng 10.000 đô la Mỹ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thực sự đầu tư đúng mức về tầm quan trọng cũng như sự thay đổi về xu hướng tiêu dùng tại thị trường này. Những sản phẩm nông sản chất lượng tìm đường tới các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, trong khi sản phẩm có chất lượng thấp hơn mới xuất sang Trung Quốc.

Chuyên gia Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), cho rằng các doanh nghiệp trong nước vẫn thích xuất vào các thị trường dễ tính theo đường tiểu ngạch với thủ tục đơn giản.

“Đứng trước yêu cầu của Trung Quốc, doanh nghiệp cảm thấy đột ngột, căng thẳng, nhưng thật ra đây là xu thế khó đảo ngược”, ông Sơn nói. Thậm chí, ông cho rằng những thay đổi này chưa quá phức tạp, mới chỉ đưa ra ra các yêu cầu liên quan tới truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, mà không đả động tới các yếu tố như môi trường, lao động, quản lý nhà nước như những quy định tại các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam vừa ký kết.

Để thích ứng với một người bạn lâu năm nhưng đã thay đổi “tính nết”, ông Sơn cho rằng các doanh nghiệp cần phải bỏ tâm lý thích thị trường dễ tính, buôn bán tiểu ngạch và chỉ thâm nhập thị trường giáp biên giới để đưa hàng sang Vân Nam, Quảng Tây. Doanh nghiệp nên mạnh dạn lấn sâu hơn vào chuỗi giá trị nông sản của nước này thông qua các doanh nghiệp phân phối, chế biến tại đây. Nếu hàng nông sản vào được các thành phố như Thượng Hải, Thẩm Quyến và các thành phố lớn khác thì đây sẽ là thị trường ổn định, mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản không kém gì thị trường Mỹ, châu Âu.

“Do đó, việc cần làm là xây dựng chuỗi giá trị, vùng chuyên canh”, ông Sơn nói và cho rằng đây là mấu chốt để giải quyết câu chuyện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong dài hạn.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nông trại Việt Nam nên kết nối với doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc, tham gia vào chuỗi cung ứng của họ. Mọi hoạt động sản xuất phải trên cơ sở minh bạch, có thể lắp camera để phía Trung Quốc theo dõi, trên cơ sở đó xây dựng được niềm tin trong giao thương giữa hai bên.

“Những thay đổi từ thị trường Trung Quốc nên được coi là cơ hội để nâng cao trình độ sản xuất của doanh nghiệp trong nước”, ông Doanh nói.

Lãnh đạo Vụ thị trường châu Á - châu Phi cho rằng một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là thay đổi nhận thức trong cách tiếp cận hàng nông sản từ Trung Quốc. “Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính và chúng ta cần ứng xử với thị trường này như các thị trường khó tính khác”.

Phương thức giao dịch cũng cần phải thay đổi. Các doanh nghiệp cần xác định thương mại biên giới tiểu ngạch không còn phù hợp với một Trung Quốc hoàn toàn khác trước đây. Để nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, năng lực sản xuất, các nhà doanh nghiệp cần xóa bỏ thói quen làm ăn manh mún, dựa vào thương mại biên giới để chuyển sang hình thức thương mại chính quy, phù hợp với thông lệ, quy định của thương mại quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp cần từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, cập nhật thông tin về những quy định mới, trên cơ sở đó xuất khẩu nông sản theo con đường chính ngạch để tận dụng được ưu đãi theo hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với nhà nhập khẩu Trung Quốc để nghiên cứu và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói truy xuất nguồn gốc sang thị trường này. Trong trường hợp vườn trồng trái cây của doanh nghiệp chưa nằm trong danh sách Tổng cục Hải quan đăng tải, doanh nghiệp cần chủ động liên hệ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn cụ thể.

Nếu doanh nghiệp đặt thị trường Trung Quốc làm trọng tâm, bà Oanh cho rằng, rất cần nhân viên thông thạo tiếng Trung, am hiểu văn hóa, phong tục tập quán của Trung Quốc, từ đó khai thác thị trường tối ưu hơn.

Những thay đổi gần đây từ thị trường Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp lao đao khi hàng tồn kho lớn, không tìm được đầu ra. Nhưng đây là xu hướng không thể đảo ngược, buộc các doanh nghiệp trong nước phải thích ứng. 

Theo TBKTSG
Bạn đang đọc bài viết Thích nghi với một Trung Quốc ngày càng khó tính tại chuyên mục Ý kiến của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận