Thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt trên 1,563 triệu tỷ, vượt 16,4% dự toán
TCDN - Thu ngân sách nhà nước đạt trên 1,563 triệu tỷ, vượt 16,4% dự toán; trong đó, thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh của 3 khu vực kinh tế vượt khoảng 14,5% so với dự toán và tăng khoảng 11,3% so với năm 2020.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá kết quả năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 diễn ra sáng nay (5/1), thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã trình bày Báo cáo tóm tắt về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
Trong lĩnh vực kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành theo dõi sát tình hình thế giới, khu vực; dự báo và xây dựng các kịch bản tăng trưởng, định kỳ cập nhật bảo đảm sát với diễn biến tình hình thực tế để đề ra và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả, phục vụ cả mục tiêu trước mắt và lâu dài. Ước cả năm đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 1,84%; các cân đối lớn được bảo đảm. GDP tăng 2,58%, trong đó quý IV tăng mạnh, đạt 5,22% sau khi giảm 6,02% trong quý III.
Thu ngân sách nhà nước đạt trên 1,563 triệu tỷ, vượt 16,4% dự toán; trong đó, thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh của 3 khu vực kinh tế vượt khoảng 14,5% so với dự toán và tăng khoảng 11,3% so với năm 2020; tổng số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt khoảng 20,5% so với dự toán và tăng 20,7% so với năm 2020, bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chi, nhất là cho công tác phòng, chống dịch và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi ngân sách nhà nước ước dưới 4%, thấp hơn so với dự toán Quốc hội quyết định (4%GDP).
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; trong đó kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 336,25 tỷ USD, tăng 19%; xuất siêu ước đạt 4 tỷ USD.
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2021 có mức tăng trưởng cao, tăng 9,2%, đặc biệt vốn tăng thêm tăng mạnh trên 40% thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, sự kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cao kỷ lục, đạt trên 48,6 tỷ USD.
Khởi công một số công trình và đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án hạ tầng quan trọng quốc gia, đặc biệt là một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông... Xác định ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, miền núi phía bắc, khu kinh tế động lực... Tập trung hoàn thiện quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch tổng thể về chuyển đổi năng lượng xanh.
Tập trung xử lý, đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý 2 ngân hàng thương mại yếu kém, 5 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ để sớm đưa vào vận hành nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; xử lý vướng mắc trong sử dụng kinh phí bảo trì đường sắt. Tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, khó khăn của một số dự án giao thông trọng điểm để nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác; trong đó có đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.
Thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 3, 4; Chính phủ đã khẩn trương trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường đầu năm 2022 về các chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình. Đây là chủ trương, quyết sách quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, Chính phủ đã kịp thời ban hành và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP, đã dành gần 71,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được tăng cường; đẩy mạnh kết nối liên thông nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến. Tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp THPT; khai giảng năm học mới, dạy và học trực tiếp, trực tuyến linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh; triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ trên các lĩnh vực. Chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2021 xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế, tiếp tục dẫn đầu trong nhóm các quốc gia có cùng mức thu nhập.
Trong năm 2021, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.101 quy định kinh doanh. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 924 quy định và sửa đổi, bổ sung 183 văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 07 bộ.
Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được các cấp, các ngành tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả. Nhiều sáng kiến cải cách của các cơ quan và địa phương được nhân rộng. Chính phủ tiếp tục ban hành hơn 20 văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Đã rà soát hơn 400 văn bản liên quan đến quy định pháp luật về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp, đề xuất sửa đổi, thay thế 106 điều khoản của 93 văn bản quy phạm pháp luật.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Hoàn thành đưa vào vận hành Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử phục vụ hiệu quả công tác quản lý xã hội nhất là phục vụ bầu cử và phòng, chống dịch Covid-19.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch Covid-19 có thể phức tạp, nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của các biến chủng mới. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể thấp hơn năm 2021; lạm phát ở nhiều nước tăng cao.
Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút.
Bên cạnh đó, nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899