Thủ tướng: Lập Ủy ban để tạo thuận lợi chứ không phải thành gánh nặng

17/07/2019, 15:31

TCDN - Thường trực Chính phủ có cuộc làm việc quan trọng với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau 10 tháng hoạt động

“Ủy ban không thể là cơ quan quan liêu kiểu cũ, không thể là một cấp hành chính tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Trong kinh tế thị trường, thời cơ là quan trọng, do đó, Ủy ban cần trả lời nhanh, quyết đáp nhanh những vấn đề tập đoàn, tổng công ty xin ý kiến”.

Chỉ đạo trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi ông chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, sáng 17/7.

NQH02306

Phần lớn các tập đoàn làm ăn có lãi

Tại cuộc làm việc, một số tập đoàn, tổng công ty cho rằng, cần có cơ chế làm sao phân cấp mạnh hơn cho doanh nghiệp để ra quyết định kinh doanh kịp thời, không để bỏ lỡ cơ hội thị trường bởi “chậm là thua”.

Có ý kiến cho rằng, việc phối hợp công tác giữa quản lý Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đối với là một vấn đề rất mới, chưa từng có trong thực tiễn, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, đề ra các quy chế, phương thức quan hệ công tác phù hợp.

Thời gian qua, có một số vướng mắc về thể chế, quy định, trong đó vướng mắc trong việc xác định cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với một số dự án đầu tư của tập đoàn, tổng công ty, về phân công, phân cấp thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư…

Các ý kiến cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, là cơ quan quản lý Nhà nước với Ủy ban, là cơ quan quản lý vốn.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, việc thành lập Ủy ban là một chủ trương lớn của Đảng nhằm tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

“Điều quan trọng hiện nay là cần rút kinh nghiệm những vấn đề đặt ra đối với Ủy ban sau 10 tháng hoạt động, trong đó có 2 việc cấp bách là phối hợp chặt chẽ, tập trung tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vấn đề của các tập đoàn, tổng công ty đã chuyển giao về Ủy ban, vì chúng ta đã nói là việc thành lập cơ quan mới này để tạo điều kiện tốt nhất cho các tập đoàn, tổng công ty hoạt động. Việc thứ hai là cần kiện toàn tổ chức, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban”, Thủ tướng nói.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của kinh tế Nhà nước, cụ thể là doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có 19 tập đoàn, tổng công ty được bàn giao sang Ủy ban, với số vốn 2,3 triệu tỷ đồng. Không chỉ lớn về vốn mà các tập đoàn, tổng công ty này đóng góp sản phẩm quan trọng, tham gia vào các cân đối lớn của nền kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng GDP, tạo việc làm, nộp ngân sách Nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban cần chủ động hơn, đổi mới cách làm, linh hoạt, sáng tạo, vận dụng tốt, đúng quy định của pháp luật trong xử lý các vấn đề cụ thể đối với các tập đoàn, tổng công ty.

Theo Thủ tướng, ở các nước, các tập đoàn, tổng công ty có luật riêng còn chúng ta hiện chỉ có nghị định riêng đối với một số tập đoàn lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Viettel… còn phần lớn chưa có. Trong bối cảnh đang hoàn thiện pháp luật thì sự năng động, trách nhiệm của Ủy ban càng phải lớn hơn để tạo điều kiện cho các tập đoàn, tổng công ty hoạt động tốt hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thông tin khả quan được Thủ tướng đưa ra tại cuộc họp là các tập đoàn phần lớn làm ăn có lãi. Doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty thời gian qua đã tăng 15%, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 21%, nộp ngân sách tăng trên 31%.

Ủy ban không được tạo gánh nặng cho doanh nghiệp

Định hướng nhiệm vụ của Ủy ban thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế tạo điều kiện, khắc phục vướng mắc, bất cập kéo dài đối với các tập đoàn, tổng công ty.

Đẩy mạnh cơ cấu lại, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, lĩnh vực các thành phần kinh tế khác không đầu tư được hoặc là các lĩnh vực Nhà nước cần phải nắm. Không phải chỉ có Ủy ban, mà cả các tập đoàn phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư các lĩnh vực quan trọng mang tính chiến lược, định hướng, dẫn dắt, tạo sức lan tỏa, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

“Đặc biệt, trách nhiệm của các đồng chí là phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện phát triển, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản Nhà nước trong quá trình hoạt động kinh doanh, quá trình sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, sử dụng vốn Nhà nước, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng tiêu cực, lạm dụng chức vụ quyền hạn đối với các tập đoàn, tổng công ty”.

Ủy ban cần kịp thời hơn nữa trong phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh các tập đoàn, tổng công ty, khẩn trương xử lý với các đề nghị của các tập đoàn, tổng công ty trình Ủy ban.

Hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn niêm yết trên thị trường chứng khoán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chương trình cổ phần hóa cũng như các doanh nghiệp đã cổ phần hóa không đặt vấn đề phải thoái vốn lại.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, Ủy ban không thể là cơ quan quan liêu kiểu cũ, không thể là một cấp hành chính tạo gánh nặng cho doanh nghiệp mà cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn nữa. Trong kinh tế thị trường, thời cơ là quan trọng, do đó, Ủy ban cần trả lời nhanh, quyết đáp nhanh những vấn đề tập đoàn, tổng công ty xin ý kiến.

Thủ tướng nhất trí, Chính phủ, các bộ cần có cơ chế phân cấp mạnh hơn cho tập đoàn, tổng công ty trên cơ sở đề nghị của Ủy ban. Ủy ban cần tập trung vào kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả, “giao quyền phải đi liền với trách nhiệm”.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cũng đã có ý kiến chỉ đạo đối với các kiến nghị cụ thể của Ủy ban như vấn đề thu hút cán bộ, nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi. Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là phải chọn con người tốt, cả đạo đức, tác phong, tinh thông chuyên môn nghiệp vụ; cho phép Ủy ban làm việc với các bộ trưởng để điều động nhân sự từ các bộ, ngành, thậm chí cả các tập đoàn, tổng công ty.

Về vướng mắc của các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty cần có bộ phận nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu thị trường, quản lý dự án, tránh tình trạng “nóng đâu phủi đấy”, không có chiến lược phát triển, tầm nhìn hay lúng túng trong quản trị dự án.

Việc kiện toàn cán bộ, nhân sự tại các tập đoàn, tổng công ty cũng cần triển khai gấp tiếp tục chống tham nhũng, lợi ích nhóm, sân trước, sân sau...

Gia Hưng
Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng: Lập Ủy ban để tạo thuận lợi chứ không phải thành gánh nặng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899