Thủ tướng: Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực phát triển

19/09/2019, 20:47

TCDN - Phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019), Thủ tướng nêu rõ: Việt Nam đang thúc đẩy khu vực tư nhân năng động, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực phát triển...

thu-tuong-chinh-phu

Diễn đàn năm nay có chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và các đối tác phát triển tổ chức.

Phát biểu tại phiên toàn thể của Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến khát vọng phát triển mạnh mẽ nền kinh tế Việt Nam sau nhiều thập niên nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh. Thủ tướng nêu rõ, trong 30 năm Đổi mới, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao và đó là cơ sở để tỷ lệ đói nghèo từ mức rất cao trên 53% năm 1992 (mức 1,9 USD/ngày, theo tỷ giá PPP năm 2011), giảm 10 lần chỉ còn 5,23% năm 2018 theo chuẩn nghèo đa chiều. Đồng thời tầng lớp trung lưu cũng tăng lên, chiếm hơn 15% dân số và đang tăng rất nhanh.

Đề cập thẳng thắn đến những hạn chế, yếu kém, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những nhận định, đánh giá của các chuyên gia quốc tế về những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng chống chịu, thích ứng với những tác động bên ngoài của Việt Nam còn yếu. Năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn nhiều hạn chế. Gần đây, tốc độ tăng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu còn cao. Năm 2018, dân số Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN, quy mô kinh tế đứng thứ 6. Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp.

Thủ tướng mong muốn trong quá trình khắc phục những hạn chế yếu kém này, Việt Nam rất mong muốn có sự đồng hành và hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế. Thông tin đến các diễn giả về việc Việt Nam đang tập trung xây dựng Chiến lược phát triển 2021-2030 trong bối cảnh có nhiều diễn biến khó lường của thế giới, nhất là chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, biến đổi khí hậu....

Thủ tướng khẳng định, bối cảnh đó đòi hỏi Việt Nam cần có bản lĩnh vững vàng, tự tin tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, phát huy nguồn nhân lực. Phải giữ gìn môi trường hòa bình, giữ vững ổn định chính trị xã hội để phát triển nhanh và bền vững.

Cùng với đó là thực hiện đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại, hội nhập, phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. Phát huy nội lực, giải phóng các nguồn lực tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ mới, thúc đẩy khu vực tư nhân năng động, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực phát triển.

Đi liền với đó, Việt Nam cũng tiếp tục chú trọng mở rộng đối ngoại, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện hiệu quả các hiệp định FTA đã ký, tiếp tục tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực hợp tác FDI, tham gia các hiệp định FTA quy mô lớn, theo đó đã hướng dòng chảy đi qua Việt Nam của các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu với các tập đoàn xuyên quốc gia. 

Việt Nam sẽ phải vươn lên, phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ, mạnh mẽ tiến lên những “nấc thang” có giá trị gia tăng cao hơn. Đây cũng chính là một phương cách để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao quốc lực, tự tin phát triển nhanh, bền vững, không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình. 

Đánh giá cao những ý kiến, ý tưởng chính sách nhằm hoàn thiện thể chế của các chuyên gia, diễn giả tại Diễn đàn lần này, Thủ tướng cho rằng đây là những đóng góp rất hữu ích đối với Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả hoạch định chính sách, cần được nghiên cứu nghiêm túc để triển khai cụ thể. 

Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm và kiến thức quốc tế, những ý kiến nhận định, đề xuất của các chuyên gia quốc tế và trong nước, để tìm ra những cách làm phù hợp cho Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đông Phong
Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng: Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực phát triển tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

VRDF: Kinh tế tư nhân nội địa phải là xương sống của nền kinh tế Việt Nam
Tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) 2019 diễn ra sáng nay, hầu hết các chuyên gia đều khuyến nghị Việt Nam, kinh tế tư nhân nội địa phải là xương sống của nền kinh tế. Việt Nam hoàn toàn đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững nếu sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất xanh…