Thủ tướng: Quản lý doanh nghiệp nhà nước theo quy luật thị trường, không can thiệp hành chính

23/11/2024, 20:03
báo nói -

TCDN - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính được.

Thảo luận tại tổ góp ý vào dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi), Thủ tướng cho rằng mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước thì có nhiều, mỗi giai đoạn lại có yêu cầu lịch sử khác nhau. Tuy nhiên, thực tế là mô hình hiện tại chưa ổn định và điều này cũng hiểu được do đất nước đang trong quá trình phát triển. Do đó, trong quá trình làm, nghiên cứu mở rộng dần với tinh thần không cầu toàn, cũng không nóng vội, "cái gì được thì giữ, cái gì không được thì loại".

Với hoạt động của doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh phải theo quy luật thị trường, quy luật cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính được.

"Can thiệp thế sẽ làm méo mó thị trường. Không phải cơ quan hành chính mà can thiệp là không đúng quy luật, không phù hợp tư duy và sự phát triển. Nên quản lý các doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam", Thủ tướng nêu quan điểm.

Vì vậy khi sửa đổi Luật này, Chính phủ đề xuất kế hoạch kinh doanh giao cho Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Việc này giúp doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về nguồn lực và các quyết định đầu tư kinh doanh, phát huy hiệu quả của nguồn vốn của tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

"Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm, tại sao Chính phủ chịu trách nhiệm về kế hoạch kinh doanh của họ", ông đặt vấn đề. Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ phát huy vai trò định hướng và áp dụng công cụ kiểm tra, kiểm soát để chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp.

Hội đồng quản trị có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình. Để làm được điều này, Thủ tướng nhấn mạnh công cụ pháp luật phải rõ để cán bộ sáng tạo, quyết tâm làm, để họ không sợ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu rõ: "Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định thành công. Vừa qua, Tổng Bí thư nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi. Cứ đi xin hết chỗ này chỗ kia, không rõ ràng. Không để chạy theo kiểu hành chính. Phân cấp mạnh ra, quy định trong luật cho rõ cái gì được làm và không được làm để người ta sáng tạo”.

Đồng tình với cơ quan thẩm tra rằng khi đánh giá doanh nghiệp cần đánh giá tổng thể giá trị mang lại chứ không đánh giá từng việc một, Thủ tướng nêu ví dụ trong 10 việc được giao, có thể 2 - 3 việc họ làm chưa tốt, thua lỗ nhưng "tổng thể vẫn dương" là bảo toàn và phát triển vốn. Với dự án Luật này, Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu đánh giá theo quá trình nào cho phù hợp, có thể theo năm hoặc theo nhiệm kỳ vì kết quả không đến trong ngày một ngày hai.

"Doanh nghiệp tư nhân làm rất nhanh, mối quan hệ dân sự họ xử lý rất hay. Ta cứ đấu thầu cả nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục. Làm sao rút ra quy luật chứ. Kinh doanh không phải ngày một, ngày hai nên phải đánh giá tổng thể. Tổng vẫn dương mà xử lý họ là chưa phù hợp tình hình, quy luật", Thủ tướng lưu ý và đề nghị rà soát thiết kế công cụ để khuyến khích đổi mới sáng tạo, dứt khoát bỏ tư duy không quản lý được thì cấm.

Hà Linh (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng: Quản lý doanh nghiệp nhà nước theo quy luật thị trường, không can thiệp hành chính tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Phát triển doanh nghiệp nhà nước trong kỷ nguyên mới
Kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí chủ đạo, không thể thay thế trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giữ vai trò nòng cốt trong quá trình “công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế".
Thủ tướng: Trao quyền tự chủ nhiều hơn cho doanh nghiệp nhà nước
Với Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, theo Thủ tướng cần chú trọng quản lý theo mục tiêu; phân cấp, phân quyền mạnh hơn, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho doanh nghiệp đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát.