Thủ tướng: Việt Nam không chọn nền kinh tế đóng

06/06/2022, 09:46

TCDN - Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Chiều 5/6, tại Tp.HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới".

Thủ tướng nêu rõ, trước hết phải tạo môi trường hòa bình, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị -xã hội, ổn định môi trường pháp lý, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.

Chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, tạo thế đan xen lợi ích; tích cực tham gia sâu, góp phần định hình "luật chơi" trong hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đồng bộ, hiện đại, hội nhập, phù hợp với cam kết quốc tế. Phát triển đồng bộ các loại thị trường và các yếu tố thị trường hướng tới các chuẩn mực của một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật phù hợp với thông lệ, cam kết quốc tế và điều kiện thực tiễn Việt Nam. Tuân thủ đầy đủ quy luật của thị trường nhưng có can thiệp của Nhà nước khi cần thiết để bảo vệ thị trường, bảo vệ doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.

Thứ ba, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế (thu chi, xuất nhập khẩu, lương thực thực phẩm, năng lượng và lao động). Phối hợp đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác. Tăng cường năng lực phân tích, dự báo, chủ động các kịch bản, phương án ứng phó phù hợp, kịp thời với những biến động, cú sốc từ bên ngoài.

Thủ tướng đánh giá tại phiên chuyên đề thứ hai, Diễn đàn đã tập trung đánh giá thực trạng, tồn tại hạn chế và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản. Ông nhấn mạnh cần chú trọng bảo đảm hài hòa giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn; khắc phục bất cập của các thị trường này, xử lý nghiêm các sai phạm nhưng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư chân chính, đúng pháp luật.

Thứ tư, tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả hơn, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Trong đó, chú trọng xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, các ngành công nghiệp công nghiệp nền tảng, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển kinh tế đô thị, liên kết vùng, kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo…

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế (cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, tránh dàn trải, chia cắt, manh mún, kéo dài; cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước).

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới công nghệ, khởi nghiệp, chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP)…

Tập trung thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn.

Thứ năm, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo đó, phải rà soát, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách tạo môi trường và điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho việc huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực từ bên trong và bên ngoài cho phát triển. Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược. Thúc đẩy hợp tác công tư (PPP); phát triển các mô hình: Lãnh đạo công - quản trị tư; đầu tư công - quản lý tư; đầu tư tư - sử dụng công.

Phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập. Hiện Việt Nam hiện có trên 800 nghìn doanh nghiệp có tính linh hoạt, khả năng thích ứng cao và đang nỗ lực phục hồi, phát triển. Tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước; tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.

Thứ sáu, phát triển nguồn nhân lực và quản trị quốc gia hiện đại. Thủ tướng lưu ý các cấp, các ngành cần chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế, chú trọng đào tạo kỹ năng, kiến thức pháp luật, hội nhập, nêu cao bản sắc văn hóa, ý chí, khát vọng phát triển, nhất là nguồn nhân lực có đủ khả năng cạnh tranh và làm việc trong môi trường quốc tế...

Đẩy mạnh đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Chú trọng chuyển từ kế hoạch hóa gia đình sang chiến lược dân số và phát triển, nhấn mạnh vai trò của con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng nhất của quá trình phát triển.

Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị quốc gia; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

"Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán: Một là, không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Hai là, tạo môi trường pháp lý phù hợp, ổn định và điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" và tuân thủ pháp luật. Ba là, Việt Nam mong muốn là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm và sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức có tính chất toàn cầu, toàn dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng với những kết quả nổi bật.

Quy mô kinh tế Việt Nam tăng gấp 12 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng 29,5 lần, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 22 lần. Tỉ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn 2,23% năm 2021 tính theo chuẩn mới.

Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu và còn thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên thành trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 2.779 USD vào năm 2020 và là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.

Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước. Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Chúng ta đã ký kết và tham gia 15 hiệp định hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

"Để đạt được những thành tựu trên, nhân tố then chốt là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Hà Linh
Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng: Việt Nam không chọn nền kinh tế đóng tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thủ tướng: Thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp, không để thất thoát tài sản nhà nước, không mất cán bộ
Về cổ phần hóa doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu xây dựng chương trình, mục tiêu, giải pháp phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thúc đẩy công tác cổ phần hóa, bảo đảm hiệu quả, đưa các doanh nghiệp phát triển, không thất thoát tài sản nhà nước, không mất cán bộ.
Thủ tướng thúc phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý nhà đất của doanh nghiệp cổ phần hóa
Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở phương án đề xuất của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ý kiến của UBND cấp tỉnh (nơi có nhà, đất), Bộ Tài chính kịp thời phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn.