Thúc đẩy triển khai điện khí LNG

21/12/2023, 11:11
báo nói -

TCDN - Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức sản xuất Chương trình “Tọa đàm: Tháo gỡ nút thắt trong phát triển LNG tại Việt Nam hiện nay” và phát sóng lúc 21h00-21h45 ngày 19/12/2023 trên sóng Truyền hình Quốc hội.

Điện khí LNG là loại hình nhiệt điện sử dụng nhiên liệu đốt là khí LNG. Khí LNG là khí thiên nhiên được hóa lỏng ở -160 độ C. Việc hóa lỏng khí thiên nhiên thực chất là chuyển đổi trạng thái tồn tại nhằm mục tiêu giúp công tác vận chuyển khí thiên nhiên được dễ dàng hơn, nhiều hơn, an toàn hơn và hiệu suất đốt cao hơn, cụ thể 1m3 khí LNG = 600m3 khí thiên nhiên trong khi 1m3 khí nén CNG hoặc LPG = 250m3 khí thiên nhiên. Hiện ở Việt Nam chưa có công nghệ chế biến khí thiên nhiên thành LNG, nguồn khí thiên nhiên khai thác hàng năm cũng không đủ cho nhu cầu trong nước, đặc biệt là nhu cầu cho phát điện. Vì vậy nhập khẩu khí đã được tiến hành nhiều năm qua, nhưng chủ yếu là gas. Đầu tháng 7 vừa qua, Việt Nam mới nhập khẩu chuyến tàu LNG đầu tiên và mở đường cho việc nhập khẩu LNG cho các nhà máy điện khí, dự kiến lượng nhập khẩu sẽ lên tới 14-18 tỷ tấn vào năm 2030.

Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam nhưng việc triển khai các nhà máy điện khí sử dụng LNG nhập khẩu hiện lại đang dậm chân tại chỗ. Điều này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia trong đó có mục tiêu đủ điện cho đời sống dân sinh. Nhằm đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển LNG, thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG tại Việt Nam hiệu quả, cạnh tranh và bền vững, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức sản xuất Chương trình “Tọa đàm: Tháo gỡ nút thắt trong phát triển LNG tại Việt Nam hiện nay” và phát sóng lúc 21h00-21h45 ngày 19/12/2023 trên sóng Truyền hình Quốc hội.

Chương trình hân hạnh có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) và có sự tham gia của các khách mời: Ông Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội dầu khí Việt Nam và TS. Nguyễn Thành Sơn – Chuyên gia tư vấn độc lập.

Theo Ông Nguyễn Quốc Thập – Chủ tịch Hội dầu khí Việt Nam: “Điện khí LNG đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và những mục tiêu cam kết của Việt Nam với thế giới về Net zero vào năm 2050. Cơ cấu điện khí LNG sẽ chiếm khoảng ¼ trong cơ cấu nguồn điện vào năm 2030. Hiện tại, vai trò của điện khí LNG là rất lớn, và chưa có nguồn điện nào có thể thay thế, trong tương lai thì có thể sẽ có nguồn khí Hydro, khí Amoniac”

Ông Nguyễn Quốc Thập. Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm

Ông Nguyễn Quốc Thập. Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm

Được xây dựng trong 4 năm từ năm 2019 với tổng giá trị đầu tư là 300 triệu USD, tháng 10 vừa qua Tổng Công ty khí Việt Nam – PV GAS đã chính thức đưa vào sử dụng kho chứa LNG Thị Vải – kho chứa LNG đầu tiên của Việt Nam với dung tích tồn trữ là 180.000 m3, đạt công suất qua kho trung bình 1 triệu tấn LNG mỗi năm tương đương 1,4 tỷ m3 khí thiên nhiên nhập khẩu đáp ứng ¼ tổng nhu cầu khí cho điện hiện tại. Kho LNG trước đó đã tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam. Công tác chạy thử cũng đã hoàn thành sớm hơn so với dự kiến và tuyệt đối an toàn. Tuy nhiên, trong khi việc đầu tư hạ tầng nhập khẩu LNG đang bám sát tiến độ thì việc đầu tư các nhà máy điện khí LNG lại chậm. Hiện nay, vẫn chưa có nhà máy nào được khởi công

Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Thành Sơn – Chuyên gia tư vấn độc lập cho biết: vai trò của nhiệt điện khí là “chạy đỉnh”, là điều tiết hệ thống điện, do đó vướng mắc của nhiệt điện khí là số giờ vận hành của một nhà máy nhiệt điện khí chỉ khoảng 2000-3000 giờ/ năm, không đủ đáp ứng thời gian hoàn vốn cho các nhà đầu tư. Bản thân khí thiên nhiên rẻ, nhưng khí thiên nhiên hóa lỏng lại đắt do vấn đề công nghệ, vì trong quá trình nén khí sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng, chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm, trong khi sức mua điện của nền kinh tế Việt Nam lại thấp

trg

Giá và sản lượng là hai yếu tố đầu ra cần đảm bảo để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Để phát triển đồng bộ, rất cần cơ chế chính sách cho phát triển điện khí LNG. Quy hoạch điện VIII đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất điện khí sử dụng LNG nhập khẩu sẽ chiếm xấp xỉ là 15% tổng công suất nguồn điện của cả nước. Việc triển khai một nhà máy điện khí theo quy trình từ lựa chọn nhà đầu tư, lập phê duyệt nghiên cứu khả thi, đàm phán hợp đồng mua bán điện, thu xếp vốn vay, thực hiện hợp đồng EPC sẽ mất từ 7-8 năm. Nếu như thách thức trong phát triển điện khí LNG không sớm được giải quyết thì mục tiêu phát triển điện khí sẽ khó thành hiện thực và sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu chuyển dịch và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

PV
Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy triển khai điện khí LNG tại chuyên mục Nhịp cầu doanh nghiệp của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận