Thương mại điện tử đóng góp hơn 108.000 tỷ đồng tiền thuế sau 11 tháng

06/12/2024, 15:51
báo nói -

TCDN - Lũy kế 11 tháng năm nay, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã nộp khoảng 108.000 tỷ đồng tiền thuế, tăng 22% so với số thuế bình quân cùng kỳ năm 2023.

Tổng cục Thuế vừa cập nhật thông tin về tình hình thực hiện công tác thuế tháng 11 và lũy kế 11 tháng năm nay.

Theo đó, trong tháng gần nhất, cơ quan thuế cho biết đã tập trung chỉ đạo toàn ngành tập trung đẩy mạnh triển khai công tác quản lý thu, chống thất thu, đặc biệt là đối với lĩnh vực thương mại điện tử.

Lũy kế 11 tháng năm nay, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã nộp khoảng 108.000 tỷ đồng tiền thuế, tăng 22% so với số thuế bình quân cùng kỳ năm 2023.

Đến nay, Tổng cục Thuế đã ghi nhận 116 nhà cung cấp nước ngoài như Google, Meta, Netflix, TikTok… đăng ký, khai và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhóm này.

Thương mại điện tử đóng góp hơn 108.000 tỷ đồng thuế sau 11 tháng.

Thương mại điện tử đóng góp hơn 108.000 tỷ đồng thuế sau 11 tháng.

Tính đến hết tháng 11, số thu từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đạt 19.774 tỷ đồng. Tính riêng số thu khai trực tiếp qua Cổng thông tin năm nay đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.

Trong tháng 12, cơ quan thuế cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý thuế thương mại điện tử như khai trương Cổng TTĐT phục vụ kê khai, nộp thuế cho cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, ngành thuế sẽ tiếp tục rà soát việc tuân thủ pháp luật thuế của nhà cung cấp nước ngoài khi có hoạt động kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục thu thập thông tin, dữ liệu về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số để quản lý và thực hiện thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế.

Theo thống kê, từ năm 2016, số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử đều tăng, duy chỉ năm 2020 có giảm xuống do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Đỉnh điểm là năm 2022, số thu nhảy vọt từ mức 1.591 tỷ đồng (năm 2021) lên tới 83 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2023, số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử tiếp tục tăng, đạt mức 97 nghìn tỷ đồng với tốc độ tăng 16,87%.

Cuối tháng 11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật thuộc lĩnh vực tài chính. Trong đó, Luật sửa đổi một số điều của Luật Quản lý thuế quy định từ ngày 1/1/2025, sàn thương mại điện tử, nền tảng số (trong nước và nước ngoài) và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác phải khấu trừ, nộp thuế thay và kê khai số thuế đã khấu trừ cho người bán trên các nền tảng này.

Trường hợp không thuộc đối tượng được khấu trừ, nộp thuế thay, người bán phải trực tiếp đăng ký, kê khai và nộp thuế. Hồ sơ, thủ tục, cách thức và trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của các sàn thương mại điện tử, nền tảng số sẽ được Chính phủ quy định chi tiết.

Đây là điểm mới khi hiện nay, các nhà bán hàng trên Shopee, Lazada, TikTok Shop... đều phải tự kê khai, nộp thuế và chịu trách nhiệm. Các sàn thương mại điện tử chỉ có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý.

Ngoài ra, quy định mới yêu cầu các nhà cung cấp hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nền tảng số (Facebook, Apple, TikTok, Goolge...) phải trực tiếp hoặc ủy quyền đăng ký, khai và nộp thuế tại Việt Nam.

Hoàng Tư
Bạn đang đọc bài viết Thương mại điện tử đóng góp hơn 108.000 tỷ đồng tiền thuế sau 11 tháng tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Kiểm soát chặt hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu và xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử hiện đang tạo sức ép lớn lên hàng hóa sản xuất trong nước, ảnh hưởng tới tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp nội địa.
Nền tảng kinh doanh thương mại điện tử nước ngoài có thể phải nộp thuế TNDN
Dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) bổ sung quy định về việc thu thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và bổ sung quy định về loại hình cơ sở thường trú “ảo” (không có hiện diện vật lý).
Tổng cục Thuế nói về quản lý sàn thương mại điện tử xuyên biên giới
Tổng cục Thuế khẳng định, công tác quản lý thuế đối với các sàn thương mại điện tử cả trong nước và sàn TMĐT có yếu tố xuyên biên biên giới mà hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đều được cơ quan thuế Việt Nam thực hiện quản lý thuế chặt chẽ, đảm bảo thu đúng, thu đủ, công bằng, minh bạch.