Thủy điện Rào Trăng 3 xảy ra sự cố nghiêm trọng, Bộ Công Thương nói gì?

16/10/2020, 19:45

TCDN - Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2016 đến nay những cảnh báo về ảnh hưởng tới môi trường (như rừng, đất, nguy cơ sạt lở...) của các dự án thủy điện đều không được đưa vào quy hoạch.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra chiều 16/10, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã chia sẻ về quy hoạch các thuỷ điện nhỏ tại Thừa Thiên - Huế, trong đó có thuỷ điện Rào Trăng 3.

Ông Đỗ Đức Quân cho biết: Sự cố tại thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) là tai nạn đáng tiếc và là sự cố lớn, gây thiệt hại về người và của.

Liên quan tới vấn đề quy hoạch các thuỷ điện ảnh hưởng diện tích rừng tự nhiên, gây ảnh tác động tiêu tực tới môi trường trong thời gian qua, đặc biệt là dự án thuỷ điện tại Thừa Thiên - Huế, ông Quân cho biết, từ năm 2016 đến nay tất cả những dự án thuỷ điện nhỏ liên quan đến rừng tự nhiên đã không còn dự án nào và những dự án đã được cấp giấy phép đầu tư trước 2016 thì đều bị kiểm soát chặt chẽ.

Sự cố tại thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) là tai nạn đáng tiếc và là sự cố lớn, gây thiệt hại về người và của. (Ảnh: ITN)

Sự cố tại thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) là tai nạn đáng tiếc và là sự cố lớn, gây thiệt hại về người và của. (Ảnh: ITN)

Theo giám sát của Bộ Công Thương, cho thấy các tỉnh cũng thực hiện nghiêm túc không có dự án nào quy hoạch chiếm đất rừng tự nhiên. Từ năm 2017 đến nay lãnh đạo Bộ Công thương cũng chỉ đạo các địa phương không cấp phép, đưa vào quy những những dự án dưới 3 MW.

Riêng với các dự án thuỷ điện tại Thừa Thiên - Huế, liên quan tới rừng Phong Điền, theo ông Quân, trong quy hoạch ban đầu có một số dự án đất rừng vì phương án còn chưa hoàn chỉnh. Nhưng sau này nhà đầu tư đã chuyển tất cả các tuyến dẫn nước vào đường hầm nên không còn ảnh hưởng tới diện tích đất rừng tự nhiên nữa.

Về những cảnh báo ảnh hưởng của các thuỷ điện nhỏ từ phía Bộ Tài nguyên và Môi trường từ năm 2011, ông Quân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có cảnh báo về tác động bồi lắng, ảnh hưởng rừng tự nhiên, dòng chảy và Bộ Công Thương đã có lưu ý khi xem xét quy hoạch. 

“Tại Thừa Thiên - Huế có rủi ro về địa chất là lớn và có lượng mưa lớn trong thời gian qua nên gây tai nạn nghiêm trọng tại thủy điện Rào Trăng 3 vừa qua. Khi có xảy ra tai nạn, Bộ Công Thương đã cử đoàn cán bộ trực tiếp vào hiện trường làm công tác cứu hộ cứu nạn, tìm hiểu sự cố... sẽ có báo cáo lãnh đạo Bộ”, ông Quân nói.

Sự việc sạt lở dự án thuỷ điện Rào Trăng 3 đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người và của. Trước sự việc này, dư luận đặt ra nhiều vấn đề xung quanh việc cấp phép, giám sát, kiểm soát và quản lý vận hành các dự án thuỷ điện nhỏ.

Tuy nhiên, ông Tô Xuân Bảo - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, trong phạm vi quản lý của mình, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản quản lý, rà soát, đánh giá an toàn của các hồ chứa và yêu cầu các chủ hồ chứa thực hiện yêu cầu cung cấp theo quy định.

“Về nguyên tắc vận hành, với vai trò quản lý, Bộ trưởng Bộ Công Thương đều ban hành công điện chỉ các hồ chứa triển khai các biện pháp chỉ đạo ứng phó với mưa lũ và đảm bảo đúng quy trình phê duyệt. Còn một vấn đề hết sức quan trọng là đảm bảo an toàn hạ du khi tổ chức vận hành, khi được lệnh xả lũ tất các hồ thủy điện đều phải có thông báo, cảnh báo đến khu vực dân cư hạ du và phối hợp chính quyền địa phương thông báo đến người dân để hạn chế tác động của việc xả lũ đến người dân hạ du”, ông Bảo cho hay.

Thuỷ điện Rào Trăng 3 nằm ở thượng nguồn sông Bồ, hạ nguồn sông A Lin đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt năm 2008. Cùng với thủy điện A Lin B1, B2 từ sông A Lin (huyện A Lưới), thủy điện Rào Trăng 4 ở bên dưới đã tạo thành hệ thống “thủy điện bậc thang” công suất nhỏ trên hệ thống thượng nguồn sông Bồ.

Dự án thuỷ điện Rào Trăng 3 được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn thực hiện vào tháng 11/2008.

Thời điểm cấp phép, dự án có quy mô công suất 11 MW, điện lượng trung bình hàng năm trên 70 kWh với vốn đầu tư 290 tỷ đồng. Diện tích đất sử dụng là 11,1 ha, trong đó diện tích khu vực lòng hồ là 8,8 ha, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ.

Đến năm 2016, Bộ Công thương đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thuỷ điện nhỏ của tỉnh Thừa Thiên Huế với dự án thuỷ điện Rào Trăng 3. Đồng thời chủ đầu tư dự án cũng được thay đổi từ Công ty TNHH tư vấn xây dựng Trường Sơn sang CTCP Thủy điện Rào Trăng 3. Bên cạnh đó, sau khi Bộ Công thương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, công suất nhà máy thuộc dự án Thuỷ điện Rào Trăng 3 cũng được nâng lên 13MW và điện lượng trung bình hàng năm là 44,343 triệu kWh.

Bích Thảo
Bạn đang đọc bài viết Thủy điện Rào Trăng 3 xảy ra sự cố nghiêm trọng, Bộ Công Thương nói gì? tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899