Tìm giải pháp chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa

24/09/2023, 09:57

TCDN - Theo chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng cùng với sự chuyển đổi số mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, các tổ chức tội phạm sử dụng nhiều hình thức tinh vi để rửa tiền, nhất là đối với các giao dịch tiền mã hóa.

Ngày 22/9, tại Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Tp.HCM, Hiệp hội Ngân hàng và Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa”.

Hội nghị nằm trong khuôn khổ triển khai Luật Phòng, chống rửa tiền, Nghị định số 19/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28/2/2023 hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Chương trình có sự tham dự của hơn 300 đại diện mảng tin học, công nghệ số tại các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn Tp.HCM tham dự, đồng thời có sự góp mặt của đông đảo các chuyên gia lĩnh vực công nghệ chuỗi khối (blockchain), kinh tế số và các chuyên gia lĩnh vực pháp lý đối với tài sản ảo và các loại tiền mã hóa.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNBA, cho biết Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 3/2023, ngay sau đó Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định triển khai, hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền, với nhiều nội dung phù hợp với thực tiễn.

Mặc dù công nghệ blockchain phát triển nhanh chóng mang lại những cơ hội tăng trưởng đột phá cho ngành tài chính nhưng cũng đặt ra thách thức mới, nhất là nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thông qua các giao dịch mã hóa do quy định pháp lý chưa đầy đủ, quy trình còn chưa hoàn thiện và thiếu nhân sự chất lượng cao trong ngành này.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền cho biết: Chống rửa tiền, đánh giá rủi ro là vấn đề không mới bởi quy định về vấn đề này đã được đưa vào Thông tư 20/2019/TT-NHNN và được các ngân hàng triển khai. Theo đó, các tổ chức trung gian thanh toán, ngân hàng, công ty tài chính - những đối tượng chủ chốt thuộc quản lý của NHNN, đã tiến hành đánh giá rủi ro về rửa tiền tại tổ chức. Tuy nhiên, Thông tư 20 chưa đưa ra những thang điểm hay yêu cầu, hướng dẫn cụ thể.

Do đó, Thông tư 09 được ban hành trong bối cảnh đặt ra những yêu cầu bắt buộc, cụ thể hóa trong quá trình thanh tra, giám sát, quản lý và hướng dẫn các đối tượng báo cáo. Đặc biệt là những đối tượng báo cáo mới tiếp cận công tác phòng, chống rửa tiền hoặc những đối tượng thuộc lĩnh vực, ngành, nghề chưa có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các quy định, chuẩn mực quốc tế.

Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhận định, sở dĩ tiền mã hóa hấp dẫn tội phạm rửa tiền là vì loại tài sản này có tính chất ẩn danh, không cần bên thứ 3 xác thực, hiện nay đang thiếu các quy định đồng bộ (trên phạm vi toàn cầu). Bên cạnh đó tính chất giao dịch xuyên biên giới 24/7 cũng là yếu tố hấp dẫn tội phạm rửa tiền sử dụng các loại tiền mã hóa để thực hiện hành vi phạm tội.

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam tính đến cuối năm 2022, đã có khoảng trên 200 dự án blockchain hoạt động. Doanh thu từ các sàn giao dịch tiền mã hóa tại thị trường Việt Nam dự kiến đạt 109,4 triệu USD vào năm 2023, số lượng người dùng tiền mã hóa sẽ tăng thêm 12,37 triệu người vào năm 2027.

Hiện, tính đến năm 2023, một số quốc gia đã xác định tiền mã hóa, tài sản mã hóa là một loại tài sản, do đó có thể áp dụng luật Chống rửa tiền (AML) dựa trên các tiêu chuẩn toàn cầu của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính về chống rửa tiền (FATF).

Nhưng nhiều khu vực vẫn chưa chấp nhận tiền mã hóa, tài sản mã hóa nên việc áp dụng tiêu chuẩn AML toàn cầu là không khả thi.

Do đó, trong hội nghị, 3 khuyến cáo được đưa ra nhằm tăng cường hiệu quả phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tài sản số trên một số điểm sau:

Một là, nhận diện tài sản số là một loại tài sản mà Bộ Luật dân sự Việt Nam đã công nhận.

Hai là, các định chế tài chính cần xây dựng quy trình và kiểm soát tuân thủ đối với các hoạt động về chống rửa tiền liên quan tới tài sản số đối với các giao dịch qua tài khoản cá nhân.

Ba là, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trên nguyên tắc hội tụ đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và luật.

Thông qua hội nghị, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cam kết thúc đẩy các nguyên tắc quản trị và tuân thủ theo thông lệ quốc tế từ các tiêu chuẩn cao nhất của Basel cũng như quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH-15, quy tắc chống rửa tiền AML/CFT của FAFT cũng như các tổ chức quốc tế, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ các định chế tài chính nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác và phát triển các lĩnh vực trên.

Thanh Thanh
Bạn đang đọc bài viết Tìm giải pháp chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan