TKV đạt 60% doanh thu kế hoạch năm
TCDN - Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt doanh thu 79.937 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch năm ngay trong 6 tháng đầu năm 2022 và tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu than đạt 47.797 tỷ đồng, đạt 64 % kế hoạch, bằng 124% so với cùng kỳ.
Doanh thu khoáng sản đạt 12.254 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch, tăng 58% so với cùng kỳ; sản xuất, bán điện đạt 6.216 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch và bằng 98% so với cùng kỳ; sản xuất cơ khí đạt 1.759 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch và bằng 130% so cùng kỳ; sản xuất, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp đạt 2.991 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch và bằng 106% so cùng kỳ; sản xuất kinh doanh khác 8.919 tỷ đồng đạt 55% kế hoạch, bằng 118% so với cùng kỳ.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, các nhà máy điện Cao Ngạn, Na Dương, Đông Triều, Sơn Động, Nông Sơn, Thủy điện Đồng Nai 5 vận hành bảo đảm an toàn, ổn định.
Trước đó, với hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận ngày càng giảm, việc đầu tư tại một số công ty con bị thua lỗ, phải đưa vào diện giám sát đặc biệt về tài chính, TKV được yêu cầu có phương án cơ cấu để tránh thất thoát.
Đáng chú ý, các đơn vị có dấu hiệu mất an toàn tài chính, phải đưa vào giám sát tài chính đặc biệt. Đơn cử như Công ty than Hà Lầm có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu hai năm liên tiếp cao hơn mức quy định (trên 10 lần).
Một số đơn vị đầu tư vốn nhiều năm đến nay đã tạm dừng hoạt động, gây nên rủi ro thu hồi vốn. Bao gồm Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê…
Trên cơ sở tình hình đầu tư, sản xuất kinh doanh của TKV, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo TKV lập phương án, thực hiện sắp xếp lại cơ sở nhà, đất, xử lý các vấn đề tồn tại tài chính để có kế hoạch cổ phần hóa công ty mẹ - TKV đảm bảo tính khả thi, hoàn thiện đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2021 - 2025.
Đối với việc đầu tư vào các công ty con, Bộ Tài chính cho rằng một số công ty con của TKV cùng đầu tư vốn vào các công ty khác trong tổ hợp tập đoàn là chưa phù hợp với quy định. Vì vậy, các công ty con cần thoái vốn để đảm bảo tái cơ cấu TKV.
Thực hiện trích lập, xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp theo đúng quy định.
Có phương án quản lý chặt chẽ tài nguyên, hạn chế tối đa thất thoát
Đối với TKV, Bộ Tài chính đề nghị quản lý chặt chẽ tài nguyên, ranh giới mỏ nhằm hạn chế tối đa thất thoát tài nguyên. Có phương án sản xuất tối ưu nhằm giảm lượng than tồn kho, than chuyển vùng, giảm chi phí, giảm vay nợ ngân hàng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thường xuyên rà soát điều chỉnh các định mức kinh tế, kỹ thuật tiên tiến để rà soát giá thành sản phẩm.
Với các công ty con có dấu hiệu mất an toàn tài chính, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện giám sát nhằm đánh giá kịp thời rủi ro để có phương án xử lý. Tăng cường kiểm tra, giám sát đặc biệt với doanh nghiệp thuộc diện giám sát tài chính đặc biệt, có giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp này nhằm tránh thất thoát vốn, tài sản TKV.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899