Tổng doanh thu từ các ngành nghề nông thôn đạt hơn 236.000 tỷ đồng

23/11/2020, 13:20

TCDN - 10 năm trở lại đây, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta đã đầu tư 30 triệu tỷ đồng để phát triển thiết chế hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất. Từ đó hoàn thiện khối lượng khổng lồ về cơ sở hạ tầng.

Sáng 23/11 đã diễn ra Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 52 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

Được đánh giá là một nét bản sắc riêng của nền kinh tế, văn hóa Việt Nam từ lâu đời giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52 về phát triển ngành nghề nông thôn với nhiều nội dung, cơ chế, chính sách mới. Sau hai năm triển khai thực hiện đã thu được những kết quả rất quan trọng.

Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết: Hiện có khoảng 2,3 triệu lao động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, tăng 300.000 lao động so với năm 2017. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 4-5 triệu đồng/tháng, cao gấp 2 lần lao động thuần nông.

Tổng doanh thu từ các ngành nghề nông thôn hiện nay đạt 236.200 tỷ đồng, tăng 40.000 tỷ đồng so với năm 2017. Mức độ tăng trưởng về kim ngạch và thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm làng nghề khá cao, đạt bình quân khoảng 10%/năm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của riêng hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỷ USD, tăng 0,6 tỷ USD so với năm 2017.

Hiện hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Theo ông Thịnh, trong bối cảnh của dịch Covid-19 nhưng 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gốm sứ và các sản phẩm khác như mây tre, sản phẩm thêu, dệt thủ công vẫn tăng trưởng cao so với năm 2019.

Tuy nhiên, báo cáo đánh giá của Bộ NN-PTNT cho thấy, cơ sở hạ tầng của làng nghề còn yếu, các cơ sở sản xuất khi chuyển vào khu công nghiệp phải chịu tiền thuê đất, thuế đất bằng với các doanh nghiệp công nghiệp.

Nguy cơ thiếu nguyên liệu do các vùng nguyên liệu chưa được quy hoạch bị thu hẹp do phải cạnh tranh với các loại cây trồng khác, do tác động của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa.

Đồng thời, việc tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng còn hạn chế, lãi suất vay còn cao, thời hạn vay ngắn nên không đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, đến năm 2020, thu nhập bình quân của người dân vùng nông thôn đã tăng 2,5 lần so với năm 2009. Năm 2018, chúng ta triển khai đề án phát triển các sản phẩm OCOP, phấn đấu đến năm 2020 có 2.400 sản phẩm ở khu vực nông thôn.

Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 55, thúc đẩy phát triển 7 nhóm ngành nghề lớn trong hệ sinh thái kinh tế nông thôn.

10 năm trở lại đây, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta đã đầu tư 30 triệu tỷ đồng để phát triển thiết chế hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất. Từ đó hoàn thiện khối lượng khổng lồ về cơ sở hạ tầng. Năm 2019, thu nhập của người dân nông thôn đạt bình quân 43 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với năm 2009.

Theo người đứng đầu Bộ NN-PTNT, “cái chưa được ở khu vực kinh tế nông thôn là hiệu quả thấp, năng suất chưa cao, đời sống một bộ phận bà con vẫn khó khăn”. Dù đã có 60% tổng số xã của cả nước đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, nhưng môi trường chưa sạch. Sản phẩm của bà con làm ra phần lớn không theo chuỗi giá trị, công ăn việc làm chưa được đảm bảo.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Các ngành nghề nông thôn vẫn là lợi thế cần tận dụng, vì thông qua đây mới tạo công ăn việc làm, giữ gìn bản sắc và xây dựng chuỗi giá trị nông sản”.

Để làm được điều đó, cần khơi dậy bàn tay khối óc của lao động nông thôn, nhất là các nghệ nhân; khơi dậy truyền thống văn hóa làng nghề.

Nghị định 52 đã đề cập rất rõ 7 nhóm nghề lớn ở khu vực nông thôn, qua đó khơi dậy hết tiềm năng kinh tế ở nông thôn, đặc biệt là nghề sinh vật cảnh đã phát huy các giá trị môi trường, thời đại, văn hóa.

“Tất cả các khu vực như trên phải cùng đồng hành để phát triển kinh tế, giữ vững an sinh, giữ gìn nét đẹp truyền thống”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

PV
Bạn đang đọc bài viết Tổng doanh thu từ các ngành nghề nông thôn đạt hơn 236.000 tỷ đồng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan