TP Bank bị tố xiết nợ kiểu “xã hội đen”, có dấu hiệu lạm quyền
TCDN - Theo phản ánh, TP Bank không chỉ chặn xe, thu hồi tài sản một cách chợ búa mà còn o ép doanh nghiệp vận tải vào đường cùng bằng cách hóa giá tài sản đảm bảo, dù doanh nghiệp đã cố gắng hoàn trả tất cả các khoản vay.
Cụ thể, ông Phạm Đình Khang, trú tại thị trấn Hưng Hà, Thái Bình cho biết: Năm 2016, ông vay trả góp của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) – chi nhánh Hoàng Mai (Hà Nội) để mua 1 xe vận tải hành khách 29 chỗ ngồi. Chiếc xe này sau đó được góp vào một đơn vị vận tải để làm cổ phần. Mục đích là để vận chuyển khách theo tuyến Hưng Hà - Thái Bình - Hà Nội và ngược lại.
Từ thời điểm mua xe đến hết tháng 2/2020 ông Phạm Đình Khang chấp hành đầy đủ kế hoạch trả nợ gốc và lãi theo hợp đồng.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc kinh doanh vận chuyển hành khách gặp nhiều khó khăn. Chính phủ có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch, nên ngày 10/3, ông Khang đã làm đơn gửi TP Bank – chi nhánh Hoàng Mai để đề nghị hỗ trợ theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đơn của ông được nhân viên ngân hàng tiếp nhận.
Tháng 7, xe khách của ông Khang đang di chuyển theo hướng Hà Nội – Hưng Hà khi đến địa phận quận Long Biên (Hà Nội) thì bị khoảng 20 thanh niên chặn đường. Họ đuổi khách, dọa giết người và ép lái xe, phụ xe nhận 3 thông báo nợ. Nhóm người thực hiện “cưỡng chế” tài sản bất chấp chủ xe là ông Phạm Đình Khang không có mặt.
Theo phản ánh, trong tháng 7/2020, ông Khang cũng như công ty vận tải không nhận được bất cứ thông báo thu hồi nợ nào từ phía TP Bank. Ông Khang cho rằng, hành vi cưỡng ép bàn giao tài sản của TP Bank có tính chất côn đồ, xã hội đen. Vì vậy, ông đã làm đơn đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Ông Khang cho biết, hiện tại, gia đình ông muốn trả toàn bộ số tiền còn nợ ngân hàng để lấy xe về, tiếp tục hoạt động chở khách. Tuy nhiên, phía ngân hàng không đồng ý mà đòi hóa giá chiếc xe của gia đình ông.
Trao đổi với Tạp chí Giao thông, ông Khang cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu 3 tháng đầu năm của Công ty CP Vận tải Hưng Hà rất thấp. Lợi nhuận từ tháng 1 đến tháng 3/2020 của xe ô tô SAMCO BKS17B-01353 là 32 triệu đồng, chưa tính tiền lương lái xe. Thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, không có tiền để trả lương cho lái xe và phụ xe”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19, ngày 10/3/2020, đại diện công ty, ông Khang làm đơn đề nghị được hỗ trợ giãn nợ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên phía ngân hàng không có hồi đáp, vì vậy, ông Khang phải huy động người thân số tiền 23 triệu đồng để trả nợ cho ngân hàng TPBank.
“Ngày 13/4/2020, chị Quỳnh – nhân viên kinh doanh của Ngân hàng TP Bank chi nhánh Hoàng Mai có nhắn tin cho tôi là gửi cho chị ấy thống kê thu chi của xe ô tô SAMCO BKS17B-01353 và các lệnh xuất nhập bến để chị Quỳnh báo cáo lãnh đạo ngân hàng xem xét cơ cấu giãn nợ, tôi đã thực hiện đầy đủ. Thế nhưng, từ đó đến lúc chúng tôi bị xiết nợ, phía ngân hàng không có 1 thông báo nào về việc này. Đây rõ ràng là thiếu trách nhiệm, không thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Khang nói.
Điều đáng nói, theo ông Khang, trước khi tổ chức tiến hành xiết nợ, thu hồi tài sản đảm bảo, ngân hàng TP Bank không gửi thông báo thu giữ tài sản cho khách hàng được biết mà tiến hành dàn trận chặn bắt ô tô SAMCO BKS17B-01353 đang trên đường chở hành khách.
Từ sự việc ngân hàng TP Bank tiến hành thu hồi tài sản Công ty CP Vận tải Hưng Hà, luật sư Vũ Văn Biên, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết:
Sự việc giữa ngân hàng TP Bank với Công ty CP Vận tải Hưng Hà dù chỉ là một vụ việc đơn lẻ, tuy nhiên soi chiếu, sâu chuỗi các vụ việc khiếu nại gần đây của ngân hàng này và một số ngân hàng khác, chúng ta có thấy rằng, đang có một thực trạng rất đáng báo động. Đó là việc các bộ phận đòi nợ của các ngân hàng đang “nhầm lẫn” vai trò, trách nhiệm của mình với lực lượng thi hành pháp luật.
Vì thế, nhiều ngân hàng khi tổ chức cho nhân viên đi đòi nợ không khác gì một buổi cưỡng chế thi hành án mà cơ quan thi hành án thường tiến hành để thi hành bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật.
Theo quy định pháp luật hiện hành thì ngân hàng, cán bộ ngân hàng không có chức năng thi hành án, đồng thời việc cưỡng chế kê biên tài sản chỉ được cơ quan thi hành án thực hiện sau khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật (quy định của luật thi hành án dân sự).
Mặc dù, ở một số vụ việc cụ thể, phía ngân hàng có đưa ra văn biên bản có chữ ký của đại diện UBND, Công an, nhưng cán bộ ngân hàng không có chức năng thi hành án.
Theo quy định pháp luật hiện nay thì chỉ có cơ quan thi hành án dân sự mới có thẩm quyền cưỡng chế đối với các giao dịch dân sự mà một bên cố tình không thực hiện, đồng thời việc cưỡng chế này cũng chỉ được phép tiến hành sau khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án.
Tới đây thì nhà nước mở rộng thẩm quyền cưỡng chế thi hành án cho tổ chức Thừa phát lại. Còn đối với Ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân thì không có chức năng "cưỡng chế".
Việc tự ý dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc... nhằm thu hồi nợ thì có thể bị xử lý về tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 BLHS hoặc tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 BLHS.
Với hành vi đánh đuổi người khác ra khỏi nơi cư trú hợp pháp của họ thì có thể bị xử lý về tội xâm phạm chỗ ở của công dân theo quy định tại Điều 124 BLHS.
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư Hà Nội, cần phải xác định rõ nội dung hợp đồng vay tín dụng của người dân có nội dung cụ thể như thế nào.
Nếu hợp đồng vay tiền có kèm theo điều khoản cho phép ngân hàng thu giữ tài sản của bên vay khi người vay chậm trả nợ thì ngân hàng có thể được thu giữ tài sản theo quy định của pháp luật. Trường hợp này, ngân hàng chỉ thu giữ tài sản khi có sự đồng ý của người vay.
Nếu người vay không đồng ý cho ngân hàng thu giữ tài sản thì ngân hàng có thể khởi kiện ra tòa. Việc tịch thu tài sản của bên vay trả cho bên bán hay không sẽ do tòa án quyết định. Nếu người vay không đồng ý mà ngân hàng vẫn thu giữ tài sản thì bên vay có quyền đề nghị cơ quan chức năng xem xét hành vi cưỡng đoạt tài sản của ngân hàng.
Nếu hợp đồng vay tiền không có điều khoản cho phép ngân hàng thu giữ tài sản khi người vay không trả được nợ thì việc ngân hàng tự ý tịch thu tài sản của dân là trái luật.
Hiện hoạt động cho vay và xử lý nợ xấu được áp dụng theo Điều 299 Bộ luật Dân sự hiện hành, Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Các điều khoản đi kèm như, tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 12/9/2019, TP Bank từng bị khách hàng gửi đơn tố cáo về việc ngân hàng này tự ý trừ gần 12 triệu trong tài khoản, khiến khách hàng vô cùng bức xúc.
Cụ thể, chị M.V.T. có làm đơn phản ánh gửi đến Ngân hàng nhà nước Việt Nam; Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Các cơ quan báo, đài; Lãnh đạo ngân hàng Tiên Phong (TP Bank) liên quan đến vụ việc “tự dưng” ngân hàng lấy tiền trong tài khoản của khách hàng chuyển cho người khác.
Chị T. cho biết sau khi chị mở thẻ sử dụng dịch vụ mPOS tại TP Bank, vào ngày 10/10/2019, khi chị phát hiện tài khoản của mình báo trừ đi 11.941.120 đồng. Không biết ai đang rút tiền từ tài khoản mình, chị T. liền gọi lên tổng đài và được giải thích rằng TP Bank trừ tiền vì có khiếu nại của chủ thẻ Visa đã từng có giao dịch tại cửa hàng của chị T.
Chị T. bức xúc phản ánh tới TP Bank khi tự ý lấy tiền trong tài khoản của chị mà không có bất kỳ thông báo nào, TP Bank mới gửi chị phiếu xác nhận ghi thông tin khiếu nại. Trường hợp nếu khiếu nại kia là không đúng thì việc làm của TP Bank có phải đang cố tình lạm quyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng?
Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý – Giám đốc Công ty Luật Bình Chánh, thuộc đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: “Ngân hàng Tiên Phong (TP Bank) đã làm sai hoàn toàn”.
Luật sư Ý phân tích thêm: “Thứ 1, tài khoản của khách hàng là quyền sử hữu của chính người đó. Chỉ có chủ sở hữu tài khoản đó mới có quyền rút hoặc chuyển số tiền trong tài khoản cho người khác, đối tác thụ hưởng.
Thứ 2, nếu trong người hợp chủ tài khoản uỷ quyền cho người khác rút, thì người được uỷ quyền phải có giấy tờ hợp pháp còn trong thời hạn uỷ quyền mới được rút tiền. Thứ 3, ngân hàng chỉ là nơi giữ tiền cho khách hàng. Họ không có quyền chuyển cho ai khác khi chưa có sự đồng ý của chủ thẻ hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền kê biên tài sản như Toà án, Cục THA…".
Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục liên hệ với TP Bank để thông tin tới bạn đọc.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899