Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm ngày càng tăng tại Việt Nam

18/07/2018, 10:34

TCDN - Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường bảo hiểm Việt Nam, các vụ việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) tại Việt Nam cũng ngày càng gia tăng.



Ngày 17/07, tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) tổ chức Hội thảo “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải - phương án khả thi cho doanh nghiệp bảo hiểm”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Ánh Dương – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký VIAC cho biết, với tính ưu việt về thời gian giải quyết, tính linh hoạt của thủ tục cũng như việc trao quyền cho các bên được lựa chọn chuyên gia am hiểu và uy tín trong lĩnh vực bảo hiểm để giúp các bên phân xử, trọng tài thương mại thực sự là phương án khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp bảo hiểm, góp phần mang lại niềm tin và công lý cho các doanh nghiệp và cộng đồng.

Tại hội thảo, bà Phạm Thanh Hải - Trưởng Ban bán chuyên trách, Ban Pháp chế phi nhân thọ, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, đến nay, vẫn chưa thể có được con số thống kê chính thức về số vụ tranh chấp HĐBH đã phát sinh hàng năm trên toàn thị trường bảo hiểm Việt Nam để có thể phần nào dựng lên một phần bức tranh toàn cảnh về vấn đề này.
Mặc dù vậy, qua thời gian cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường bảo hiểm Việt Nam, các vụ việc tranh chấp HĐBH tại Việt Nam cũng ngày càng gia tăng về số lượng vụ việc và ngày càng phức tạp về nội dung với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo bà Phạm Thanh Hải, các nguyên nhân cơ bản dẫn đến các tranh chấp HĐBH bao gồm: Nguyên nhân từ việc thực thi Luật Kinh doanh bảo hiểm nói riêng, các quy định liên quan nói chung còn bộc lộ những hạn chế, gây giảm sút hiệu quả điều chỉnh pháp luật, làm thị trường phát triển kém lành mạnh, nảy sinh tranh chấp kéo dài, gây suy giảm niềm tin của một bộ phận người tiêu dùng.

Thứ hai là nguyên nhân về phía các doanh nghiệp bảo hiểm chưa tuân thủ nghiêm túc quy trình khai thác, giám định bồi thường, điều kiện, điều khoản bảo hiểm... Việc này có thể do trình độ, thức của cán bộ, có thể do năng lực của bản thân công ty chưa đáp ứng được việc tuân thủ quy trình nghiệp vụ đề ra, do cả nguyên nhân cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp và sức ép kế hoạch doanh thu của cán bộ dẫn đến bỏ qua một số thủ tục trong quy trình khai thác, như đánh giá rủi ro trước khi cấp đơn…

Một nguyên nhân khác đến từ phía người được bảo hiểm. Trong khi nhận thức của người dân về pháp luật còn nhiều yếu kém, nhất là những văn bản pháp quy về bảo hiểm. Có thể vì lòng tham và tình hình kinh tế khó khăn, vì tâm chỉ được nhiều hoặc ít chứ không bị mất, các quy định về nghiệp vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm còn lỏng lẻo và nhiều kẽ hở dễ dàng lợi dụng...

Nguyên nhân cuối cùng là tại Việt Nam, những người làm công tác tài phán (quan tòa, trọng tài) đang thực hiện công việc của mình thường kiêm nhiệm các công việc tài phán khác, nên độ chuyên sâu có phần bị hạn chế. Trong khi đó, nghiệp vụ bảo hiểm khá phức tạp, dẫn đến một số trường hợp phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, xem xét.

Bà Phạm Thanh Hải cũng nhận định rằng trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp định hướng cho các doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời làm giảm sự quá tải về số lượng vụ việc cho hệ thống tòa án.

Bà Trương Thanh Thủy - Trọng tài viên VIAC cho hay, các loại tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng bảo hiểm mà VIAC đã giải quyết trong thời gian qua bao gồm: (i) Tranh chấp về DNBH thực hiện nghĩa vụ giải thích điều kiện; (ii) Tranh chấp về hiệu lực của đơn bảo hiểm; (iii) Tranh chấp về nộp chậm phí bảo hiểm và (iv) Tranh chấp trong việc nhận “Thế quyền” truy đòi bên thứ 3.

Bên cạnh phương thức trọng tài thương mại, một phương thức giải quyết tranh chấp mới cũng đang được doanh nghiệp quan tâm hiện nay đó chính là hòa giải phương mại.

Ông Phan Trọng Đạt – Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam đã giới thiệu tới Hội thảo bài trình bày sinh động liên quan đến hòa giải tại VIAC cũng như các nội dung cơ bản, các nguyên tắc của Quy tắc Hòa giải của VMC (“Quy tắc VMC”).

PV
Bạn đang đọc bài viết Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm ngày càng tăng tại Việt Nam tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận