Trừng phạt Moscow nhưng Mỹ và EU vẫn cần kim loại công nghiệp từ Nga
TCDN - Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang tích cực mua nhôm, niken và các kim loại công nghiệp quan trọng khác từ Nga, bất chấp khó khăn về vận chuyển.
Dữ liệu từ nhiều nguồn cho thấy, Mỹ và EU đã tăng cường mua các kim loại công nghiệp quan trọng từ Nga, bất chấp các vấn đề về logistics do chiến sự gây ra cũng như kế hoạch của phương Tây nhằm cắt nguồn thu ngoại hối của Moscow.
Động thái ấy cho thấy khó khăn của Mỹ và các đồng minh trong việc gây sức ép lên nền kinh tế Nga. Đến nay, nền kinh tế này vẫn trụ vững và đồng ruble cũng tăng trở lại nhờ doanh thu từ dầu mỏ nhảy vọt, giúp Nga bù đắp tác động của các cấm vận.
Ví dụ, theo dữ liệu do Reuters tổng hợp từ nền tảng Comtrade (thuộc Liên Hợp Quốc), nhập khẩu của Mỹ và EU đối với nhôm và niken của Nga trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6 đã tăng tới 70%. Tổng giá trị nhập khẩu là 1,98 tỷ USD.
Lệnh trừng phạt của phương Tây "né" kim loại công nghiệp
Từ khi xung đột quân sự nổ ra, phương Tây đã áp đặt nhiều đợt trừng phạt đối với một loạt sản phẩm, cá nhân và tổ chức của Nga, nhưng nhìn chung vẫn bỏ qua lĩnh vực kim loại công nghiệp.
Phản hồi câu hỏi của Reuters, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay: “Mặc dù chúng tôi không đánh giá trước các lệnh trừng phạt, chúng tôi vẫn cân nhắc mọi phương án để khiến Tổng thống Vladimir Putin phải trả cái giá đắt cho cuộc chiến phi lý tại Ukraine”.
Trong khi đó, Uỷ ban châu Âu (EC) chưa đưa ra bình luận.
Giới phân tích nhận định Mỹ và EU đã rút ra bài học sau lần gián đoạn nghiêm trọng trong lĩnh vực xây dựng, ô tô và năng lượng bởi các lệnh trừng phạt của cựu Tổng thống Donald Trump đối với nhôm của Nga năm 2018.
Washington bỏ các lệnh trừng phạt ấy vào năm 2019.
Ngay sau khi Moscow động binh hồi cuối tháng 2, giá của cả nhôm và niken đều đã vọt lên mức cao kỷ lục do nhiều thương nhân lo ngại các lệnh trừng phạt hoặc khó khăn về vận chuyển sẽ cản trở các chuyến hàng.
Song có vẻ như giới thương nhân đã lo quá xa, vì dữ liệu cho thấy xuất khẩu của Nga trong giai đoạn 4 tháng từ tháng 3 năm nay tương đối mạnh. Nhà phân tích Carsten Menken của ngân hàng Julius Baer phát biểu: “Các cơ chế thị trường vẫn hoạt động”. “Từ các nhà giao dịch hàng hoá, chúng tôi biết vấn đề chủ yếu là giá. Điều cốt lõi không phải là việc một số chính trị gia không muốn thương nhân mua kim loại công nghiệp của Nga, mà là liệu thương nhân có thể đạt thoả thuận với Nga hay không”, ông nói.
Nỗ lực gom thêm nhôm và niken
Tập đoàn Rusal của Nga là nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới (không tính Trung Quốc) và chiếm khoảng 6% sản lượng toàn cầu.
Trong 4 tháng sau khi Nga tấn công Ukraine, EU là nhà nhập khẩu nhôm chưa gia công lớn nhất từ Nga, mua trung bình khoảng 78.207 tấn mỗi tháng. Con số này cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 13%.
Ở một báo cáo, Rotterdam - cảng lớn nhất của châu Âu, cho biết tổng khối lượng hàng hoá đến đây tăng 0,8% trong nửa đầu năm 2022. Song lượng “hàng rời” - tức hàng hoá không vừa container, nhảy vọt 17,7%, chủ yếu là do nhập khẩu kim loại công nghiệp tăng.
Một phát ngôn viên của cảng nói với Reuters rằng các lô hàng nhôm và niken vẫn đến Rotterdam vì chúng không bị trừng phạt, nhưng người này từ chối cung cấp số liệu cụ thể.
Đầu tuần này, một doanh nghiệp của Norsk Hydro (Na Uy) xác nhận họ sẽ loại trừ nguồn hàng của Nga khỏi các giao dịch mua nhôm cho năm 2023.
Cùng giai đoạn ấy, nhập khẩu nhôm Nga của Mỹ đạt trung bình 23.049 tấn mỗi tháng - tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Tom Price - trưởng bộ phận chiến lược hàng hoá tại ngân hàng tư nhân Liberum, cho hay: “Người Mỹ muốn mua nhôm từ càng nhiều nguồn khác nhau càng tốt, điều này có ý nghĩa rất lớn. Mỹ không muốn nhập khẩu thêm nhôm từ Trung Quốc nên nguồn cung nhôm của Rusal là rất quan trọng. Đó là lý do tại sao Mỹ không dừng giao dịch thương mại với Nga”, ông tiếp tục.
Nhìn chung, hiện nay các chuyến hàng nhôm từ Nga tương đối ổn định. Trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6, nhập khẩu nhôm Nga của 7 thị trường hàng đầu hồi năm ngoái đạt trung bình 221.693 tấn mỗi tháng - thấp hơn một năm trước 9% nhưng cao hơn mức trung bình hàng tháng cho cả năm 2021 khoảng 4%.
Về niken, Nga chiếm khoảng 10% sản lượng toàn cầu và hãng Nornickel của nước này sản xuất khoảng 15% - 20% niken phù hợp để chế tạo pin trên thế giới.
Nhập khẩu niken từ Nga của ba thị trường hàng đầu trong 4 tháng từ khi chiến sự nổ ra đã tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ chứng kiến mức tăng mạnh nhất - 70% so với một năm trước. Trong khi đó, các lô hàng đến EU tăng 22%.
Các nhà phân tích dự báo, giá niken phi mã sau cuộc chiến đã tạo thêm động lực để Nga tiếp tục xuất khẩu hàng.
Ngày 8/3, giá niken trên sàn giao dịch kim loại London (LME) đã tăng gấp đôi lên mức kỷ lục là hơn 100.000 USD/tấn. LME đã phải tạm ngưng giao dịch và huỷ các thoả thuận trước đó.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899