T.S Nguyễn Trí Hiếu: Doanh nghiệp gặp khó thanh toán nợ trái phiếu, ngân hàng nguy cơ lớn
TCDN - TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng nắm một số lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp trong khi đó hơn 300.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả nợ trong năm nay với khả năng thanh toán số nợ này của các doanh nghiệp phát hành rất thấp nên sẽ ảnh hưởng lớn tới hệ thống ngân hàng.
TS.Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp xung quanh sức khỏe ngân hàng, đặc biệt là ảnh hưởng của việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Ông đánh giá như thế nào về sức khỏe tài chính của các ngân hàng Việt Nam hiện nay?
Nếu xét đến sức khoẻ của ngân hàng theo chỉ tiêu vốn, chất lượng tài sản, chất lượng quản ly, lợi nhuận, tính thanh khoản, sự nhạy cảm lãi suất tôi nghĩ rằng ngành ngân hàng của Việt Nam hiện nay đang đối mặt với ba vấn đề lớn là thanh khoản, chất lượng tài sản và lãi suất.
Trước hết, các ngân hàng đang đối mặt với vấn đề thanh khoản. Một vài ngân hàng đang hoàn toàn trông cậy vào sự trợ giúp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để bảo toàn thanh khoản, có nghĩa là khả năng trả tiền gửi khách hàng, trả nợ.
Sự thiếu hụt thanh khoản đến từ 2 nguyên nhân chính: nợ xấu làm dòng tiền cho vay không trở lại với ngân hàng và do đó buộc nhiều ngân hàng phải huy động vốn với lãi suất cao để bù đắp thanh khoản; các khoản đầu tư nhiều rủi ro, trong đó có việc nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, trong khi nhiều nhà phát hành trái phiếu phải hoãn nợ. Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định số 8 để khơi thông thị trường trái phiếu đang đóng băng vì nhiều nhà phát hành đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Cũng vì thiếu thanh khoản nhiều ngân hàng vẫn phải duy trì lãi suất cao để huy động tiền gửi. Lãi suất huy động cao đẩy lãi suất cho vay cao làm tê liệt nền kinh tế và đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng ngưng hoạt động hay phá sản.
Cứ như thế vòng xoáy doanh nghiệp gặp khó khăn đưa đến nợ xấu và chậm trả nợ; nợ xấu và hoãn nợ dẫn đến tăng lãi suất để huy động vốn mới để trả vốn cũ và từ đó đẩy lãi suất lên cao, tạo ra nguyên nhân nhiều doanh nghiệp bị đánh bật khỏi thương trường. Cuối cùng, khủng hoảng và suy thoái sẽ xuất hiện.
Theo như ông vừa phân tích, năm 2023 ngân hàng sẽ đối diện với hàng loạt khó khăn, rủi ro với nhiều nguy cơ?
Ngành ngân hàng Việt Nam đang có những dự báo khá lạc quan cho năm 2023 với những kỳ vọng cao cho nhiều cơ hội phát triển. Các chuyên gia ngân hàng dự báo ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ tài chính số. Việc áp dụng công nghệ vào hoạt động của các ngân hàng cũng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, tạo ra sự tiện nghi và thuận tiện cho khách hàng.
Mặc dù vậy, ngành ngân hàng vẫn được dự báo sẽ gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc kiểm soát rủi ro tín dụng liên quan đến sự suy thoái của thị trường chứng khoán và bất động sản. Đồng thời nguồn vốn tín dụng của ngành ngân hàng sẽ bị thắt chặt vì lý do ngân hàng kiểm soát rủi ro một cách chặt chẽ hơn trong khi một phần đáng kể nguồn vốn huy động sẽ được sử dụng cho mục đích thanh khoản, thay vì cho mục đích cho vay.
Hơn nữa, tình trạng lãi suất tăng cao, lạm phát tăng, tăng trưởng chậm và các thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản đang trong khủng hoảng sẽ trực tiếp tác động tới việc kinh doanh của các ngân hàng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Riêng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng nắm một số lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp mà hơn 300.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả nợ trong năm nay với khả năng thanh toán số nợ này của các doanh nghiệp phát hành rất thấp thì tình hình quả đáng báo động cho hệ thống ngân hàng.
Với vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng ước tính khoảng 1.700.000 tỷ đồng thì lượng trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng đang nắm giữ tương đương với 18% vốn chủ sở hữu của ngành ngân hàng.
Việc vỡ nợ hàng loạt của trái phiếu doanh nghiệp nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng và có khả năng kéo hệ số an toàn vốn của ngân hàng (CAR) từ mức 11,69% tính vào tháng 10/2022 theo thống kê của NHNN xuống mức dưới 10% cho toàn thể hệ thống các tổ chức tín dụng, tăng mức rủi ro hệ thống cho ngân hàng Việt Nam.
Với những ngân hàng nhỏ, việc nắm giữ một lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn mà là những trái phiếu có khả năng mất thanh khoản thì nguy cơ kéo những ngân hàng này vào vùng mất an toàn là rất lớn. NHNN có thể đang thanh tra rất sát sao mảng này để tránh một sự đổ vỡ mang tính hệ thống (systemic risk).
Để giải quyết những tồn tại của hệ thống ngân hàng hiện nay đặc biệt trong việc khơi thông nguồn vốn, gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp, ông có gợi ý những giải pháp cho ngân hàng thế nào, thưa ông?
NHNN cho biết đã thanh tra đột xuất một số ngân hàng và xử phạt những đơn vị vi phạm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. NHNN nên công bố thông tin về kết quả của lần thanh tra này liên quan đến những vi phạm cụ thể của các ngân hàng để người dân, doanh nghiệp có thể biết những sai phạm của các ngân hàng để tránh. Dĩ nhiên, NHNN không cần nêu đích danh các ngân hàng bị thanh tra. Việc thanh tra chắc chắn sẽ giúp cải thiện các hoạt động cho vay của các ngân hàng và từ đó giúp khai thông nguồn vốn tín dụng.
Tuy nhiên, trong hệ thống ngân hàng hiện nay có nhiều ngân hàng có sức khoẻ tài chính rất yếu kém và chỉ sống dựa vào sự hỗ trợ của NHNN. Nhân việc hai ngân hàng của Mỹ sụp đổ và bị cơ quan FDIC tiếp quản và kiểm soát, tôi nghĩ rằng NHNN nên dần suy xét việc cho phép các ngân hàng Việt Nam phá sản để sàng lọc hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Bên cạnh đó, muốn khai thông nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác thì hệ thống ngân hàng Việt Nam phải được cải tổ một cách toàn diện và thực chất. Nếu chúng ta đi tìm những giải pháp để khai thông nguồn vốn mà hệ thống tuần hoàn các nguồn vốn đó chính là ngân hàng và hệ thống ngân hàng chưa hoạt động một cách hiệu quả thì việc khai thông nguồn vốn chỉ mang tính ngắn hạn và giải quyết tình thế.
Với những ngân hàng nào được đánh giá ở thang điểm có nguy cơ vỡ nợ hay phá sản NHNN nên có kế hoạch sát nhập hay rút khỏi thị trường ngân hàng, thay vì cho phép họ tồn tại nhưng đang trở thành một lực cản cho sự phát triển lành mạnh và ổn định của hệ thống tài chính. Sự khai thông nguồn vốn tín dụng và đầu tư chỉ có thể thực hiện hiệu quả nếu hệ thống ngân hàng loại bỏ được những thành phần “counter-productive” (phản tác dụng).
email: [email protected], hotline: 086 508 6899