Tỷ giá USD chạm mức cao nhất trong hai thập kỷ
TCDN - Đồng USD chạm mức cao nhất trong hai thập kỷ vào ngày 12/5 sau dữ liệu về lạm phát.
Đồng USD chạm mức cao nhất trong hai thập kỷ vào ngày 12/5, giữa bối cảnh biên độ thu hẹp lạm phát của Mỹ thấp hơn dự kiến của thị trường trong tháng 4/2022, thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết liệt hơn nữa trong kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ.
Lạm phát Mỹ đã tăng vọt ở mức 8,3% vào tháng 4 vừa qua so với cùng kỳ năm trước. Dù lạm phát tháng 4 đã giảm nhẹ so với mức tăng hồi tháng 3 nhưng vẫn gần với mức cao kỷ lục kể từ hè năm 1982. Lạm phát là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phục hồi của kinh tế Mỹ sau bước tăng trưởng 5,7% vào năm ngoái - mạnh nhất kể từ năm 1984. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng khi lạm phát đã lan sang các lĩnh vực như nhà ở, ôtô.
Theo CME FedWatch Tool, thị trường đang dự đoán mức tăng lãi suất ít nhất 0,5 điểm phần trăm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại hai cuộc họp tới của ngân hàng này, dự kiến diễn ra vào ngày 15/6 và ngày 27/7.
Rodrigo Catril, chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Ngân hàng Quốc gia Australia cho hay: "Lạm phát vẫn ở mức cao hơn dự kiến của Mỹ đang làm gia tăng lo ngại về việc Fed phải đẩy nhanh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ".
Theo kế hoạch, dữ liệu CPI tháng 5/2022 sẽ được đưa ra 5 ngày trước cuộc họp chính sách của Fed vào tháng Sáu và ông Catril cho rằng một "cú sốc" lạm phát mới có thể đẩy mức tăng lãi suất lên 0,75 điểm phần trăm.
Cũng trong phiên 12/5, đồng euro đi ngang ở mức 1,05095 USD/euro, sau khi tăng vào phiên trước đó do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa củng cố kỳ vọng rằng họ sẽ tăng lãi suất vào tháng 7/2022, lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ. Đồng tiền chung châu Âu đã giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm là 1,04695 USD/euro vào cuối tháng trước.
Đồng bảng Anh, đồng đôla Australia (AUD) và đôla New Zealand (NZD) cũng đồng loạt giảm trong phiên này, khi các vấn đề liên quan tới Brexit "nóng" trở lại.
Chứng khoán châu Á giảm xuống mức thấp nhất gần hai năm, chứng khoán châu Âu lao dốc và giá dầu giảm 2% hôm 12/5.
Bất chấp hôm 11/5 Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã phát đi tín hiệu rằng ECB có thể nâng lãi suất từ mức thấp lịch sử vào tháng 7 tới, đồng Euro vẫn chịu nhiều sức ép do các nhà đầu tư quan ngại rằng cuộc xung đột Ukraine và giá năng lượng tăng cao có thể khiến Khu vực đồng Euro (Eurozone) rơi vào suy thoái vào cuối năm nay. Lạm phát tại Eurozone đã lên tới 7,5% trong tháng 4, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% mà ECB đặt ra.
Đồng Euro đã giảm 0,5% xuống còn 1,0463 USD, trước đó đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017 là 1,044 USD.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899