Vẫn còn nhiều yếu tố tăng giá ảnh hưởng tới lạm phát
TCDN - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2019 tăng 0,1% so với tháng 12/2018. CPI tháng 2 vẫn còn là một ẩn số.

Trả lời phỏng vấn TBTCVN, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức trong công tác kiểm soát lạm phát năm 2019, bởi nhiều yếu tố có thể làm giá cả biến đổi theo chiều hướng tăng được “để dành” từ năm 2018.
PV: Năm 2019 công tác điều hành giá còn nhiều thách thức như việc lùi điều chỉnh giá điện từ năm 2018; điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo cơ chế thị trường, cũng như lo ngại giá nhiên liệu có thể tăng… Là người làm công tác quản lý giá nhiều năm, ông nhận định về vấn đề này như thế nào?
![]() |
Ông Ngô Trí Long |
- Ông Ngô Trí Long: Giá cả là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, rất nhiều nhân tố tác động đến giá cả như chính sách tiền tệ, sự ổn định của kinh tế vĩ mô... Năm 2018 chúng ta đã thành công trong kiểm soát lạm phát là do sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, trong đó phải kể đến công tác điều hành hiệu quả của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban.
Năm 2019 vẫn còn nhiều thách thức đối với việc thực hiện chỉ tiêu lạm phát. Bên cạnh đó, các yếu tố gốc rễ của nền kinh tế là năng suất, chất lượng và hiệu quả phải được tính đến. Nếu những yếu tố đó chưa được cải thiện thì mỗi sự biến động lớn từ thế giới hay trong khu vực đều tác động đến chúng ta. Đó là chưa kể đến một số yếu tố tăng giá ảnh hưởng tới lạm phát như giá điện chưa được điều chỉnh năm 2018, “hứa hẹn” sẽ điều chỉnh trong năm nay; điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình và giá xăng dầu trên thế giới diễn biến bất thường; cũng như ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai... Ví dụ như giá điện, theo công bố của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện nay khoản chênh lệch tỷ giá đã lên tới 10 nghìn tỷ đồng chưa đưa vào hạch toán, cho nên năm nay chắc chắn còn nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới lạm phát.
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc điều hành giá theo kịch bản để chủ động ứng phó với những yếu tố tăng giá bất thường?
- Ông Ngô Trí Long: Như tôi đã nói ở trên, công tác điều hành giá đã có những thành công nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và địa phương. Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ họp hàng quý và dưới sự giúp việc của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nhiều kịch bản giá được đưa ra tương đối sát. Tôi cho rằng đây là cách làm mới khá hiệu quả. Điều hành giá theo những kịch bản xây dựng sẵn, từ kịch bản sát diễn biến thực tế nhất, cho đến những phương án lạm phát cao ít khả năng xảy ra nhất, để các cơ quan chức năng chủ động trong điều hành.
Những bài học thành công trong công tác điều hành giá những năm gần đây sẽ là cơ sở để Chính phủ tiếp tục thành công trong năm 2019 cũng như những năm tới.
PV: Tăng trưởng và kiểm soát lạm phát là những mục tiêu quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô. Ông có thể cho biết những thách thức phải đối mặt trong năm 2019 này?
- Ông Ngô Trí Long: Tăng trưởng và kiểm soát lạm phát tốt đã tạo điều kiện cho nền kinh tế vĩ mô ổn định, đáp ứng các nhu cầu cho an sinh xã hội. Tại hội nghị Chính phủ với địa phương vào cuối năm ngoái, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở chúng ta không nên chủ quan trước những thành tích đã đạt được. Nói như vậy để thấy vẫn còn nhiều khó khăn nên phải tận dụng mọi cơ hội mới thành công trong năm 2019.
Tôi cho rằng, trong năm 2019, Bộ Tài chính cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Bộ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp trong trường hợp có biến động về giá. Bên cạnh đó, cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Đối với việc thực hiện lộ trình thị trường một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, theo tôi, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Tổng cục Thống kê tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, hạn chế tác động chí phí đẩy đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân; điều chỉnh giá dịch vụ công cần theo lộ trình phù hợp, tránh gây ra những tác động bất lợi đến chi số giá tiêu dùng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Thời báo tài chính Việt Nam
email: [email protected], hotline: 086 508 6899