VASEP: Nên xem lại mức thuế đang áp dụng với doanh nghiệp thủy sản

04/08/2020, 16:39

TCDN - VASEP cho rằng, việc áp mức thuế suất thuế TNDN cho hàng thủy sản là sơ chế với mức thuế 20%, trong khi các mặt hàng đầu ra của các doanh nghiệp này đa số là các sản phẩm đã qua chế biến đang gây nhiều bất cập và không phù hợp với thực tiễn.

Theo thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tổ chức này mới đây tiếp nhận thông tin của nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản phản ánh bất cập đang tồn tại trong việc áp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với họ. 

Mức thuế đang áp dụng không phù hợp?

Theo kiến nghị của các doanh nghiệp, sản phẩm từ thủy sản (mã ngành 1020) được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ bằng cách sửa đổi lại Khoản 1, Điều 1 của Thông tư 26/2015/TT-BTC.

Các doanh nghiệp này gặp vướng mắc về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho ngành chế biến thủy sản liên quan đến quy định và việc thực thi Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 và Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 theo hướng mà đa số mặt hàng thủy sản chế biến XK lại bị áp sang là hàng “sơ chế” thay vì là “chế biến”, điều đó khiến các DN không được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN.

VASEP cho rằng mức thuế thu nhập đang áp dụng cho nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản không phù hợp thực tiễn.

VASEP cho rằng mức thuế thu nhập đang áp dụng cho nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản không phù hợp thực tiễn.

Hiện nhiều doanh nghiệp thuỷ sản đang bị áp mức thuế suất thuế TNDN cho hàng thủy sản là sơ chế với mức thuế TNDN 20%, trong khi các mặt hàng đầu ra của các DN này đa số là các sản phẩm đã qua chế biến, được phép áp dụng mức thuế suất TNDN là 10% (điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn) hoặc là 15% theo Khoản 5 Điều 11 và Khoản 1 Điều 6 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính.

VASEP cho rằng, việc áp mức thuế suất thuế TNDN cho hàng thủy sản là sơ chế với mức thuế TNDN 20% trong khi các mặt hàng đầu ra của các doanh nghiệp này đa số là các sản phẩm đã qua chế biến đang gây nhiều bất cập và không phù hợp với thực tiễn.

Các doanh nghiệp thuỷ sản cho rằng, hoạt động chế biến của các doanh nghiệp thủy sản gồm 3 dạng: Chế biến từ sản phẩm tươi sống để XK; Chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín và Chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để ra hàng giá trị gia tăng (GTGT).

Nhưng khi quyết toán thuế hoặc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp chế biến thủy sản, các sản phẩm của cả ba dạng chế biến trên đều không được các cơ quan ngành thuế công nhận là sản phẩm “chế biến” mà chỉ là "sơ chế".

Điều bất cập này khiến tỷ lệ phải nộp thuế của các doanh nghiệp thủy sản hiện tại (bao gồm cả sản phẩm SXXK, tiêu thụ nội địa hay gia công) đều là 20% - không đúng với bản chất chế biến của ngành.

Bên cạnh đó, các sản phẩm thủy sản đông lạnh đều trải qua quá trình cấp đông và bảo quản lạnh đông với các công nghệ cấp đông, bảo quản lạnh đông hiện đại, tối tân, đòi hỏi chi phí cao và mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm (kéo dài thời gian bảo quản cho sản phẩm, giúp duy trì chất lượng và an toàn cho sản phẩm).

Đây chính là “phương pháp công nghiệp” được ghi rõ trong định nghĩa sản phẩm chế biến của Luật An toàn thực phẩm năm 2010.

Được biết, trước vướng mắc của doanh nghiệp thuỷ sản về chính sách thuế nêu trên, VASEP đã đề nghị Tổng cục Thuế xem xét cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Khai thác hơn 4,6 triệu tấn thủy sản 7 tháng đầu năm

Sản lượng thủy sản cả nước tháng 7/2020 ước tính đạt 783,3 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 545,1 nghìn tấn, tăng 0,6%; tôm đạt 122,9 nghìn tấn, tăng 4,7%; thủy sản khác đạt 115,3 nghìn tấn, tăng 1,9%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 438,4 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 278,2 nghìn tấn, giảm 1,4%; tôm đạt 110,4 nghìn tấn, tăng 4,9%.

Nuôi cá tra tiếp tục gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì mức giá thấp hơn giá thành sản xuất.

Sản lượng cá tra tháng Bảy ước tính đạt 124 nghìn tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình dịch bệnh trên tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến đang diễn biến phức tạp, chủ yếu do môi trường nuôi dẫn tới bệnh hoại tử gan tụy cấp, đỏ thân, đốm trắng.

Diện tích tôm sú bị thiệt hại trong tháng ở một số tỉnh: Cà Mau thiệt hại 1.368 ha; Trà Vinh 788 ha, Bạc Liêu 435 ha.

Trong tháng Bảy, sản lượng tôm sú ước tính đạt 38,4 nghìn tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 65 nghìn tấn, tăng 8,5% chủ yếu do diện tích thu hoạch tăng 3,8%.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng 7/2020 ước tính đạt 344,9 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 266,9 nghìn tấn, tăng 2,9%; tôm đạt 12,5 nghìn tấn, tăng 2,5%.

Thời tiết ngư trường tương đối thuận lợi nên ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển. Sản lượng thủy sản khai thác biển tháng Bảy ước tính đạt 328,4 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 255,8 nghìn tấn, tăng 3,1%; tôm đạt 11,6 nghìn tấn, tăng 3,6%.

Tính chung 7 tháng năm 2020, sản lượng thủy sản ước tính đạt 4.647,3 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2.415,5 nghìn tấn, tăng 1,6%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.231,8 nghìn tấn, tăng 1,5% (sản lượng khai thác biển đạt 2.136,4 nghìn tấn, tăng 1,7%).

Thanh Hà
Bạn đang đọc bài viết VASEP: Nên xem lại mức thuế đang áp dụng với doanh nghiệp thủy sản tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan