Về thăm làng hương Cao Thôn 300 tuổi

28/01/2022, 14:58

TCDN - Những ngày cuối năm, người dân làng hương gần 300 tuổi Cao Thôn (xã Bảo Khê, Thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) tất bật từ sáng sớm cho tới đêm khuya chuẩn bị các sản phẩm đưa ra thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

8-1lang-huong-1

Giữ gìn làng hương lâu đời

Đi dọc theo Quốc lộ 39 từ Hà Nội về Hưng Yên cách chừng 40km, du khách sẽ thấy xuất hiện những phên hương được phơi rải khắp dọc đường, ngõ xóm tạo nên những hình ảnh đẹp. Đó là những hình ảnh của làng hương Cao Thôn, một trong những làng nghề làm hương lâu đời nhất Việt Nam.

Các cụ bô lão trong làng kể lại rằng, làng hương được hình thành và phát triển từ khi bà Đào Thị Khương - người con gái của làng Cao Thôn lấy chồng Trung Quốc rồi từ đó về đây truyền nghề làm hương cho dân làng. Bà được tôn là bà tổ nghề hương của vùng. Hiện nay, bà Đào Thị Khương được thờ cúng ở nhà thờ tổ họ Đào tại làng Cao Thôn.

Để ghi nhớ công ơn của bà Đào Thị Khương, người dân thờ cúng bà ở nhà thờ tổ họ Đào tại làng và lấy ngày bà mất là ngày giỗ Tổ nghề 22/8 âm lịch. Vào ngày này, cả làng tập trung về nhà thờ tổ để thắp hương tưởng nhớ đến người đã mang lại nghề cho quê hương, mang lại công ăn việc làm cho bao thế hệ con em Cao Thôn.

Làng nghề đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có những lúc tưởng như mai một. Vào giai đoạn kháng chiến chống Pháp - Mỹ, có những thời điểm nghề làm hương xạ còn bị cấm, hay đánh thuế nặng nhưng các thế hệ người dân Thôn Cao vẫn cố lưu giữ truyền dạy lại cho con, cháu. Đến nay người dân làng nghề vẫn gìn giữ, bảo tồn và phát triển, duy trì để sản xuất các mặt hàng phục vụ đời sống sinh hoạt tâm linh cho người dân.

Điểm khác biệt của làng nghề Thôn Cao là tạo nên những nén hương có mùi thơm đặc biệt không làng hương nào trên cả nước có được. Người làm hương ở làng tiết lộ, bột hương được làm bằng 36 loại thảo mộc từ thiên nhiên và các vị thuốc bắc. Thảo mộc làm hương được bà con đặt mua ở trên rừng, từ các tỉnh biên giới. Trong 36 vị thuốc có một số vị như cam thảo, thảo quả, hoa ngâu, độc hoạt, đại hoàng, xuyên khung, đan bì,... Tuy nhiên, tùy theo cách pha chế thảo mộc của người thợ mà hương làng Cao Thôn có mùi thơm khác nhau nhưng có đặc điểm là mùi dịu nhẹ, phảng phất rất lâu.

Hiện nay, Hương Cao Thôn chủ yếu có ba loại là hương vòng, hương nén và hương sào. Ngoài ra còn có hương quế, hương đen… Dù là loại hương nào, nhưng để sản xuất được một sản phẩm hương hoàn chỉnh, đạt yêu cầu đòi hỏi các công đoạn tỉ mỉ, từ khâu trộn bột, se hương cho đến công đoạn phơi hoặc sấy hương. Trong đó, quá trình sản xuất hương quan trọng nhất là phải lựa chọn và sử dụng nguyên liệu sạch. Sản phẩm hương sản xuất ra phải phải đảm bảo được sự đồng đều về kích cỡ, thân hương nhẵn, khô, có độ kết dính cao, không bị sứt hay bị vỡ và đặc biệt khi thắp, nén hương phải cháy chậm đều và phải có mùi thơm đặc biệt mà người ngửi vừa cảm thấy thoải mái mà lại không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Người Cao Thôn luôn tâm niệm rằng 36 vị thuốc Bắc này giống như là những tinh hoa của đất trời hội tụ lại trong mùi hương thơm làng Cao Thôn. Đây cũng chính là cái “hồn cốt” mà người dân làng Cao Thôn gìn giữ hàng trăm năm nay. Bởi vậy, những đơn bốc thuốc không được phép truyền nghề cho người ngoài dòng họ.

Các cụ bô lão trong làng kể lại, người làng Cao Thôn có giữ tập tục, kỹ thuật có thể truyền lại nhưng bài thuốc pha chế hương không truyền lại cho con gái, con rể, chỉ truyền lại cho con trai, con dâu. Những người con dâu từ làng khác về thôn Cao phải qua tuổi 50 mới được truyền lại bài thuốc làm hương.

Thách thức trước dịch Covid-19

Làng nghề truyền thống làm hương xạ Cao Thôn có diện tích đất tự nhiên 44,47ha với 280 hộ gia đình tương ứng 1.000 nhân khẩu, làng nghề nằm ở vị trí trung tâm của xã Bảo Khê.

Ông Tạ Quang Ký, Bí thư kiêm trưởng thôn Cao Thôn kể, 2 năm nay, dịch COVID-19 ập đến, giãn cách xã hội khiến việc tiêu thụ sản phẩm hương của làng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay cả làng có từ 150 - 180 hộ làm hương tùy thời điểm. Hộ làm lâu nhất khoảng 80 năm.

“Toàn bộ sản phẩm hương xạ Cao Thôn chủ yếu hiện được tiêu thụ tại thị trường các tỉnh thành trong nước như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Quảng Ninh… Thế nhưng dịch COVID-19 khiến việc sản xuất chậm lại. Các hộ làm nghề chỉ sản xuất cầm chừng để giữ gìn nghề. Hoạt động tham quan du lịch ở làng nghề dừng lại hẳn do không có các đoàn du lịch về”, ông Ký nói.

Những năm trước, nhiều hộ đã thu hút, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho từ 6 - 8 lao động thường xuyên cho thu nhập cao từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng; nhiều hộ trong làng nghề có thu nhập cao hàng trăm triệu đồng/hộ/năm; đặc biệt có hộ doanh thu đạt từ 500 - 700 triệu đồng/năm. Làng nghề không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trong thôn, trong xã mà còn tạo việc làm cho lao động các địa phương lân cận, với mức thu nhập khá.

Tuy nhiên, năm 2021, thu nhập bình quân của người dân trong làng nghề chỉ dừng ở mức 50 triệu đồng/người/năm. Làng nghề chủ yếu giải quyết việc làm cho một bộ phận người lao động trong làng.

Vừa là Bí thư, kiêm trưởng thôn, lại làm nghề lâu đời, ông Ký cho biết, khoảng hơn một tháng nay, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, với các giải pháp khoanh vùng, dập dịch mới cũng như phục hồi kinh tế nên làng hương bắt đầu đẩy mạnh sản xuất hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

“Bà con làng nghề cố gắng sản xuất cầm chừng qua giai đoạn dịch bệnh. Mặc dù không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào của nhà nước nhưng bà con làng nghề vẫn tâm niệm đây là nghề của ông cha, là “miếng cơm manh áo” của gia đình nên ngoài việc duy trì thì sẽ từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu làng nghề truyền thống hương xạ Cao Thôn trở thành thế mạnh của địa phương”, ông Ký nhấn mạnh.

Vì thế, những năm gần đây nhân dân trong làng nghề đã chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm hương của làng nghề, mở rộng nhà xưởng và quy mô sản xuất đặc biệt các hộ đã mạnh dạn đầu tư áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đưa các máy móc hiện đại vào các khâu sản xuất để tăng năng suất chất lượng sản phẩm, giảm bớt nhân công lao động tạo tính cạnh tranh cao, mẫu mã sản phẩm đa dạng hơn, đẹp hơn theo nhu cầu của thị trường.

Huyền Châu

Tạp chí in số Tết 2022
Bạn đang đọc bài viết Về thăm làng hương Cao Thôn 300 tuổi tại chuyên mục Số đặc biệt Xuân Nhâm Dần 2022 của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận