Vì sao 5 huyện của Hà Nội chưa được lên quận?
TCDN - Cả 5 huyện có đề án xây dựng lên quận ở Hà Nội đều chưa đạt 2 tiêu chí quan trọng là cân đối thu, chi ngân sách và mật độ đường giao thông đô thị.
Theo dự kiến trong giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn TP Hà Nội sẽ có các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng dự kiến thành lập quận.
Việc phát triển 5 huyện thành quận là nhiệm vụ chính trị quan trọng của TP Hà Nội trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên cho đến nay, cả 5 huyện đều có từ 3 đến 6 tiêu chí chưa đạt, trong đó đều chưa đạt 2 tiêu chí quan trọng là cân đối thu, chi ngân sách và mật độ đường giao thông đô thị.
Nếu phân cấp cho 5 huyện toàn bộ nguồn thu thì theo tính toán của Sở Tài chính, chỉ có huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm bảo đảm cân đối thu - chi, còn lại tỷ lệ thu chi của huyện Thanh Trì đạt 75%, huyện Hoài Đức 47% và huyện Đan Phượng đạt 27%.
Đối với tiêu chí về mật độ giao thông, các ý kiến đề nghị trong điều kiện nguồn vốn khó khăn cần phải có giải pháp cụ thể hơn để xác định nguồn lực, trong đó nên xem xét đến thu hút nguồn lực ngoài ngân sách.
Đối với các tiêu chí phát triển huyện Thanh Trì thành quận, huyện đã đạt 24/27 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt gồm: Cân đối thu chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị và đất cây xanh công cộng.
Theo UBND huyện Thanh Trì, thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện phát triển thành quận, huyện tiếp tục giữ vững 24/27 tiêu chí đã đạt và tập trung hoàn thiện 3 tiêu chí chưa đạt. Cụ thể: về tiêu chí “cân đối thu, chi ngân sách”, tỷ lệ cân đối thu, chi ngân sách huyện theo dự toán thành phố giao năm 2021 đạt 52,3 % (tăng 3,2 % so với năm 2019); về tiêu chí “mật độ đường giao thông đô thị”, đến hết năm 2021, huyện đã đầu tư thêm 9 dự án đường giao thông, số km đường giao thông đô thị tăng thêm là 11,19km (tăng thêm 0,17km/km²).
Mật độ đường giao thông đô thị đạt 9,3 km/km², còn thiếu khoảng 0,7km/km² (khoảng 49,81 km đường giao thông đô thị); về tiêu chí “đất cây xanh công cộng”, đến hết năm 2021, dự kiến diện tích đất cây xanh công cộng trên địa bàn tăng thêm khoảng 27,4ha (tăng thêm 1m²/người). Tỷ lệ đất cây xanh công cộng trên địa bàn huyện đạt 4,5m²/người, còn thiếu 1,5m²/người (khoảng 41,4ha đất cây xanh công cộng).
Trước đó, báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tại cuộc họp ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố ngày 24/12/2021, để hoàn thành đề án thành quận, các huyện phải đạt được hai nhóm tiêu chí, gồm có 27 tiêu chí để huyện thành quận và 15 tiêu chí để xã thành phường.
Về kết quả đạt được các tiêu chí lên quận ước đến hết năm 2021, huyện Đan Phượng và huyện Đông Anh đạt 21/27 tiêu chí, 6 tiêu chí chưa đạt; huyện Gia Lâm đạt 25/27 tiêu chí, 2 tiêu chí chưa đạt; huyện Hoài Đức đạt 22/27 tiêu chí, 5 tiêu chí chưa đạt; huyện Thanh Trì đạt 24/27 tiêu chí, 3 tiêu chí chưa đạt.
Về kết quả các tiêu chí xã thành phường, huyện Đan Phượng còn 81 tiêu chí chưa đạt của 16 xã; huyện Đông Anh còn 81 tiêu chí chưa đạt của 24 xã; huyện Gia Lâm còn 71 tiêu chí chưa đạt của 21 xã; huyện Hoài Đức còn 62 tiêu chí chưa đạt của 19 xã; huyện Thanh Trì còn 40 tiêu chí chưa đạt của 16 xã.
Các huyện đã xây dựng lộ trình, phấn đấu hoàn thành từng tiêu chí. Huyện Gia Lâm và Hoài Đức phấn đấu hoàn thành năm 2023-2024; huyện Thanh Trì phấn đấu hoàn thành năm 2024-2025; huyện Đan Phượng và Đông Anh phấn đấu hoàn thành năm 2025.
Theo kế hoạch, Thành phố thống nhất tập trung cao độ cho huyện Gia Lâm hoàn thành quận trong năm 2023.
Dự kiến từ nay đến 2025, để đưa 5 huyện Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì lên quận, thành phố Hà Nội sẽ chi gần 83.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899