"Việt Nam đang phải đối mặt với gần 50 vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại"

19/11/2021, 15:41

TCDN - Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại Hội nghị cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí do Ban Tuyên giáo TW và Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (19/11).

Phát biểu khi mạc tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do kể ca song phương và đa phương, trong đó có hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như hiệp định CTTP. Trong năm 2020, Việt Nam đã cùng 4 nước khác ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực.

Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế này đã góp phần làm thay đổi căn bản thể chế kinh tế nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung. Để bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế và đưa ra các cam kết xóa bỏ hàng rào thuế, xóa bỏ hàng rào kinh tế, các nhà đàm phán đã thiết kế ra một công cụ là phòng vệ thương mại.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Biện pháp phòng vệ thương mại đã, đang và sẽ luôn luôn song hành cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và là một trong những hệ quả của hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Biện pháp phòng vệ thương mại đã, đang và sẽ luôn luôn song hành cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và là một trong những hệ quả của hội nhập kinh tế quốc tế.

“Phòng vệ thương mại bao gồm các biện pháp chủ yếu như biện pháp tự vệ được áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến vì cắt giảm thuế theo các cam kết quốc tế, vì hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến. Từ đó, có khả năng gây ra tình trạng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước thì áp dụng biện pháp tự vệ. Ngoài ra, còn có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp được áp dụng khi hàng hóa xuất khẩu trong nước có biểu hiện bán phá giá và có biểu hiện được Nhà nước trợ cấp để xuất khẩu”, ông Khánh thông tin.

Mặc dù phòng vệ thương mại không còn là khái niệm mới mẻ nhưng nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ở nước ta vẫn còn thụ động trước các biện pháp phòng vệ thương mại dẫn đến chịu nhiều thiệt hại xảy ra khi không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu hoặc khi bị nước ngoài điều tra và áp thuế phòng vệ thương mại, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Hiện nay nước ta đang phải đối mặt với gần 50 vụ việc phòng vệ thương mại, tương đương với 22% tổng số lượng vụ việc từ trước đến nay" - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết, số vụ phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam ngày càng gia tăng. Đến 2020 là 39 vụ việc, trong đó phấn nhiều liên quan đến chống bán phá giá (117/204 vụ việc). Các thị trường điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam chủ yếu là Hoa Kỳ (37 vụ việc, 18.1%), Ấn Độ (29 vụ việc, 14,2%), Thổ Nhĩ Kỳ ( 24 vụ việc, 11.8%)... đặc biệt, các mặt hàng thường bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như thép, nhôm, đường...

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết các doanh nghiệp cần chủ động trang bị những kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại, quy định phòng vệ thương mại trong các FTA giữa Việt Nam và đối tác để nắm rõ các nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hện đại lưu trữ hồ sơ sổ sách đầy đủ và rõ ràng.

"Trong các vụ việc khi bị khởi xướng điều tra, các đơn vị nên xem xét tham gia vụ việc một cách tích cực, đầy đủ tránh bị các cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu có sẵn khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc; xem xét sử dụng luật sư tư vấn am hiểu pháp luật phòng vệ thương mại của WTO và nước điều tra. Bên cạnh đó thường xuyên theo dõi thông tin vụ việc, tích cực  trao đổi, phối hợp với hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu khác để cùng xử lý" - ông Thái cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu dự kiến tiếp tục cao trong thời gian tới, xu thế bảo hộ tại một số thị trường cũng sẽ khiến số lượng các vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa việt Nam ngày càng gia tăng. Do đó, để nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, chúng ta cần nhận thức đúng đắn về phòng vệ thương mại để ứng phó kịp thời và hiệu quả hơn với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra, đảm bảo hàng hóa sản xuất trong nước được cạnh tranh công bằng.

Bích Thảo
Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam đang phải đối mặt với gần 50 vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại" tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan