Chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại: Tăng rủi ro áp thuế cao hơn

14/11/2019, 15:17

TCDN - Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu được phát hiện “chuyển tải” từ Trung Quốc qua các cuộc điều tra chống bán phá giá chính thức. Điều này dẫn đến tăng rủi ro cho hàng hóa xuất khẩu, thủ tục sẽ bị chậm trễ, thậm chí bị áp thuế cao hơn.

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan phát biểu

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan phát biểu

Đây là cảnh báo được đưa ra tại Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Hội thảo do Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, USAID và Tổng cục Hải quan phối hợp tổ chức ngày 14/11.

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, tình trạng gian lận xuất xứ tại Việt Nam đang diễn ra với 02 phương thức thủ đoạn chủ yếu sau: Thứ nhất, nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, ghi nhãn hàng hóa tại nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam để tiêu thụ trong nước. Cụ thể, hàng hóa khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “made in Vietnam” hoặc trên sản phẩm và/hoặc bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành đều ghi bằng tiếng việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam.

Hoàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa trên bao bì/sản phẩm được sản xuất tại nước ngoài như “made in China” nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp bóc nhãn hàng hóa dán trên bao bì/sản phẩm và thay nhãn mới ghi “made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “xuất xứ Việt Nam”.

Thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc xuất khẩu.

Không ghi xuất xứ trên nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu sau đó trước khai lưu thông thì bổ sung nhãn phụ “made in Vietnam”.

Thứ hai, nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp FDI nhập khẩu hàng hóa/nguyên liệu, linh kiện, cụm linh kiện để sản xuất, gia công, lắp ráp hàng hóa xuất khẩu nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, thông tư số 05/2018/TT-BTC nhưng khai xuất xứ Việt Nam, ghi xuất xứ Việt Nam trên bao bì/hàng hóa hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu.

Ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ nhấn mạnh, trong chính sách thương mại “chuyển tải” không phải là một thuật ngữ chuyên ngành. Theo nghĩa chung, chuyển tải là lẩn tránh một phần hoặc toàn bộ số thuế phải trả bằng cách vận chuyển một hàng hóa cụ thể từ một nước thứ ba.

Chuyển tải hợp pháp khi sản phẩm là kết quả của các công đoạn sản xuất được di dời sang một nước khác đáp ứng tiêu chí xuất xứ hay quy tắc trong FTA hoặc của nước nhập khẩu quy tắc xuất xứ không ưu đãi. Chuyển tải trái phép bằng cách trình bày sai về xuất xứ khi sản phẩm là kết quả của các công đoạn sản xuất được di dời sang một nước khác không đáp ứng quy tắc xuất xứ.

Đối với Việt Nam chuyển tải không phải là hiện tượng mới. Thực tế, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu được phát hiện chuyển tải từ Trung Quốc qua các cuộc điều tra chống bán phá giá chính thức như sản phẩm xe đạp năm 2000; bật lửa năm 2004; giầy mũ da năm 2008…

Hệ lụy đối với Việt Nam, nếu chuyển tải hợp pháp sẽ cải thiện cán cân thương mại với Mỹ. Chuyển tải bất hợp pháp sẽ tăng rủi ro cho doanh nghiệp tuân thủ của Việt Nam. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị áp thuế cao hơn, thủ tục xuất khẩu tại Mỹ sẽ bị chậm trễ.

Lý giải nguyên nhân “chuyển tải” là vấn đề quan trọng của Việt Nam, ông Claudio Dordi nhận định, chính việc tham gia một số các FTA với tất cả các nền kinh tế chính – tiềm năng trở thành “trung tâm đầu tư” khiến Việt Nam là một đối tác thương mại và đầu tư lý tưởng. Thêm nữa, Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài như giấy phép kinh doanh, thuế… Đặc biệt, Việt Nam là nguồn nhập khẩu thứ 5 của Hoa Kỳ tại châu Á, sau Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Việc chuyển tải diễn ra dưới các hình thức sau: chuyển tải đơn giản từ Việt Nam, không có sự điều chỉnh vật lý nào đối với sản phẩm, nhãn giả và gian lận trong khai báo xuất xứ, ví dụ như nộp chứng từ giả cho cơ qua cấp C/O; Xuất khẩu sản phẩm tháo rời sang Việt Nam, thực hiện tại đây các công đoạn lắp ráp đơn giản hoặc công đoạn “tối thiểu”, không tạo ra “sự chuyển đổi đáng kể”. Hay xuất khẩu sang Việt Nam sản phẩm mà thực tế là một bộ phận (linh kiện) của một hàng hóa không phải chịu thuế.

Hà Quyên
Bạn đang đọc bài viết Chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại: Tăng rủi ro áp thuế cao hơn tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan