Vụ án tại Công ty Việt Á: Bộ Y tế không thể "phủi tay"

11/01/2022, 16:21

TCDN - "Không được nhận thức một cách đơn giản Nhà nước không định giá là Nhà nước không quản lý giá, là Nhà nước thả nổi, buông bỏ quyền điều tiết giá của mình, mặc cho doanh nghiệp muốn định giá thế nào thì định...", ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam trao đổi với MarketTimes.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Thưa ông, vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á gây chấn động dư luận xã hội thời gian qua. Dư luận xã hội đang cho rằng Công ty Việt Á đã lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 “bắt tay” với các đối tác “thổi giá” kít xét nghiệm để bán cho các khách hàng sử dụng ngân sách Nhà nước. Vậy xin ông cho biết hành vi “thổi giá” là thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: “Thổi giá” được dư luận ngầm hiểu là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giá nói chung và định giá kít xét nghiệm nói riêng.Nhưng đây lại là cách hiểu sai và cách dẫn dắt dư luận không đúng, nó chỉ là cách nói kiểu “thông tấn vỉa hè”, thậm chí tùy tiện, không đúng với bản chất của hành vi cố ý làm trái, bất chấp quy định của pháp luật.Đó chỉ là cách gán ghép và nội dung dẫn dắt thổi lên “hiệu ứng đám đông” về sự bức xúc, phẫn uất của dư luận xã hội.Nếu nói “thổi giá” thì đó không phải là hành vi vi phạm pháp luật, bởi “thổi giá” hiện chưa có quy định nào của pháp luật xác định là hành vi vi phạm pháp luật nên cũng không có hướng dẫn nội hàm của “thổi giá” là gì, đi liền với nó là không có chế tài xử lý vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là xử lý hình sự về hành vi “thổi giá”.Do đó, chúng ta không nên dùng từ “thổi giá”.

Pháp luật không quy định về hành vi “thổi giá”, thế thì trong trường hợp của Công ty Việt Á cần được hiểu đúng bản chất của hành vi như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Nếu theo các thông tin Bộ Công an công bố, Công ty Việt Á đã xây dựng phương án giá (để thực hiện quyền tự định giá theo quy định của Luật Giá) trong điều kiện dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp theo cách cố ý nâng giá “đầu vào” của các nguyên, nhiên, vật liệu... không đúng thực tế chi phí bỏ ra theo mặt bằng thị trường để có mức giá “đầu ra” không đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ dùng để thỏa thuận, thông đồng với các đối tác mua hàng lợi dụng tình hình dịch bệnh cùng thực hiện mưu đồ trục lợi ...Theo quy định của pháp luật đây là 2 hành vi định giá bất hợp lý bị cấm trong lĩnh vực giá theo quy định về Quy chế tính giá do Bộ Tài chính ban hành và theo quy định tại Điểm c, d, Khoản 2, Điều 10, Luật Giá.Đã là hành vi bị cấm, tức không được làm mà vẫn cố tình làm là hành vi cố ý làm trái, bất chấp quy định của pháp luật phải được xử lý.

Bộ Y tế đã từng trả lời trước công luận là mặt hàng mà Công ty Việt Á bán ra không phải là mặt hàng Nhà nước quản lý giá. Vậy đây có phải lý do đó mà Công ty Việt Á được toàn quyền định giá mà không ai kiểm soát và dễ dàng định đoạt được lợi ích theo mong muốn của mình.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Tôi rất không tán thành quan điểm này của Bộ Y tế, nói như vậy là không hiểu gì về cơ chế quản lý giá hiện hành và “phủi” bỏ trách nhiệm quản lý ngành của mình.Theo quy định của Luật Giá: Nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Kít xét nghiệm không thuộc danh mục Nhà nước định giá, danh mục doanh nghiệp phải đăng ký giá, kê khai giá mà thuộc quyền định giá của doanh nghiệp, Nhà nước tôn trọng quyền này.Tuy nhiên không được nhận thức một cách đơn giản: Nhà nước không định giá là Nhà nước

không quản lý giá, là Nhà nước “thả nổi”, “buông bỏ” quyền điều tiết giá của mình, mặc cho doanh nghiệp muốn định giá thế nào thì định cũng được (kể cả định giá trái pháp luật).

Trong cơ chế quản lý giá hiện nay, Nhà nước quản lý, điều tiết giá bằng hai phương thức: “Trực tiếp” (định giá đối với danh mục mặt hàng Nhà nước còn định giá) và “Gián tiếp” đối với tất cả các hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế bằng các giải pháp: Thực hiện các biện pháp điều hòa cung – cầu, tài chính, tiền tệ... để bình ổn giá; Quy định Quy chế tính giá thành, tính giá để các doanh nghiệp tính toán đúng quy định của pháp luật (loại chi phí nào được tính vào giá, loại chi phí nào không được tính vào giá theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ); Kiểm soát yếu tố hình thành giá khi giá có biến động bất thường; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong chấp hành pháp luật về giá...Pháp luật quy định như vậy, nếu Bộ Y tế không làm là thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế.

Được biết, có một số doanh nghiệp thẩm định giá đã tham gia thẩm định giá kít xét nghiệm của Công ty Việt Á bán cho các CDC. Với vai trò là Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, ông thấy có vấn đề gì cần lưu ý?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Tôi được biết có một vài doanh nghiệp thẩm định giá tham gia thẩm định giá kít xét nghiệm của Công ty Việt Á bán cho các CDC.Theo tôi, nếu họ làm việc khách quan, theo đúng Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam, dữ liệu thị trường về giá tin cậy (giá trúng đấu thầu, giá do Bộ Y tế thỏa thuận với Công ty Việt Á, giá Bộ Y tế giới thiệu cho cả nước biết về giá bán của Công ty Việt Á...) thì sẽ được xem xét một cách khách quan, có lý, có tình.Còn nếu có trường hợp nào không làm đúng và thông đồng, nhận lợi ích bất hợp pháp từ Công ty Việt Á hoặc các đơn vị mua hàng (CDC) thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Theo markettimes.v
Bạn đang đọc bài viết Vụ án tại Công ty Việt Á: Bộ Y tế không thể "phủi tay" tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan