Xây dựng 4 chiến lược phát triển thị trường khu vực Âu - Mỹ

21/02/2024, 08:17
báo nói -

TCDN - Bộ Công Thương đã xây dựng 4 Chiến lược phát triển các thị trường trong khu vực châu Âu - châu Mỹ gồm: Hoa Kỳ, EU, Mỹ Latin và SNG để kịp thời điều chỉnh và thích nghi với những biến động thương mại quốc tế, qua đó khai thác hiệu quả các thị trường này trong bối cảnh có nhiều khó khăn.

1

Sụt giảm nặng nề

Theo báo cáo của Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), năm 2023, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thị trường châu Âu - châu Mỹ chứng kiến sự sụt giảm đáng kể. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và khu vực châu Âu - châu Mỹ ước đạt khoảng 208 tỷ USD, giảm khoảng 9,5% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu ước đạt khoảng 166 tỷ USD, giảm 9,6%, nhập khẩu ước đạt gần 41 tỷ USD, giảm 9,1%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường Âu - Mỹ ước đạt 125 tỷ USD, trong đó thặng dư với các nước châu Âu đạt khoảng 33 tỷ USD, với châu Mỹ đạt khoảng 92 tỷ USD. 

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhận định, một trong những nguyên nhân của sự sụt giảm xuất nhập khẩu với khu vực châu Âu - châu Mỹ là, với độ mở nền kinh tế lớn, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chịu tác động trực tiếp từ sự sụt giảm của kinh tế toàn cầu nửa đầu năm 2023 và sự phục hồi một cách chậm chạp và không đồng đều của các nền kinh tế trên thế giới nửa cuối năm 2023.

Theo IMF, tốc độ tăng trưởng GDP của các đầu tầu kinh tế tại khu vực châu Âu - châu Mỹ phần lớn được dự báo tăng trưởng ở mức dưới 2,5% (ví dụ: Hoa Kỳ 2,1%; Canada 1,3%; EU 0,7%; Anh 0,5%; Nga 2,2%...) ngoại trừ các nước như: Mexico dự báo tăng 3,2%; Brazil tăng 3,1%. 

Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái: theo số thống kê của phía bạn 10 tháng năm 2023: EU giảm nhập khẩu từ thị trường ngoài khối gần 16%; Hoa Kỳ nhập khẩu từ thế giới giảm 6%);…

Ngoài ra, lạm phát tuy đã kiềm chế nhưng vẫn ở mức cao cộng thêm sức ép từ bất ổn địa chính trị, thay đổi sâu sắc hành vi và thói quen tiêu dùng tại các nước Âu Mỹ dẫn đến việc duy trì thị trường xuất khẩu khó khăn hơn.

Tốc độ tăng trưởng GDP của các đầu tàu kinh tế tại khu vực châu Âu - châu Mỹ phần lớn được dự báo ở mức dưới 2,5%.

Tốc độ tăng trưởng GDP của các đầu tàu kinh tế tại khu vực châu Âu - châu Mỹ phần lớn được dự báo ở mức dưới 2,5%.

Lần đầu sau nhiều năm liên tục tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu với một số thị trường trọng điểm giảm mạnh như: Hoa Kỳ dự kiến đạt 96,9 tỷ USD giảm 12,4% so với năm 2022; EU đạt 43,7 tỷ USD giảm 6,7%; các nước CPTPP ở châu Mỹ đạt 13,1 tỷ USD giảm 10,6%. Duy chỉ có thị trường Anh, các nước khối EAEU, các nước Mercosur và một số thị trường nhỏ dự kiến chứng kiến sẽ có mức tăng trưởng xuất khẩu lần lượt là 3,1%, 12,7% và 10%.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; Điện thoại, máy tính và linh kiện; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Hàng Dệt may; Da giầy và túi xách; Gỗ và sản phẩm gỗ; Thủy sản; v.v… đều chứng kiến mức sụt giảm trung bình trên 10% so với năm 2022. Trong khi đó, xuất khẩu một số mặt hàng khác tăng trưởng tốt như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 27% (gần 1,2 tỷ USD); Sắt thép các loại tăng 23,5% (3,1 tỷ USD); Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 12,6%; và một số mặt hàng nông sản như: Gạo tăng 53,3% (65,5 triệu USD), Hạt điều tăng 10,2%, Hàng rau quả tăng 10,2% (609,5 triệu USD). 

Nhiều nỗ lực đa dạng hóa thị trường

Trong năm 2023, mặc dù tình hình trong nước và thế giới có nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan hữu quan trong và ngoài nước, tích cực đưa ra nhiều giải pháp, triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp nhằm phục hồi sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

Chuyên gia đánh giá, các hoạt động của này đã hỗ trợ tích cực cho xuất nhập khẩu của Việt Nam không chỉ ở phương diện hỗ trợ khai thác thị trường truyền thống, mở rộng thị trường/sản phẩm mới, tiềm năng mà còn ở phương diện bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế đồng thời hạn chế tác động tiêu cực hay gỡ bỏ các rào cản thuế quan, phi thuế quan.

Trong đó, Bộ Công Thương đã triển khai triệt công tác hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và đa dạng hóa kênh xuất khẩu hàng Việt Nam.

Nhờ vậy khi các thị trường truyền thống gặp khó khăn thì tốc độ tăng trưởng ở những thị trường mới, thị trường ngách rất cao: kim ngạch xuất khẩu 11 tháng 2023 tăng 12,1% ở các nước khối EFTA; 12,7% ở các nước khối EAEU; 48,5% ở các nước khối Trung Á; khối Mercosur có Argentina tăng 17,9%; Brazil 9,1%; Paraguay 20,8%;...

Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh triển khai Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”, với định hướng hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương thâm nhập trực tiếp vào các hệ thống phân phối bán buôn bán lẻ cho cả người bản địa và người gốc Á ở các nước Âu Mỹ.

Các giải pháp đề ra trong đề án đã được đồng bộ triển khai ở cả cấp trung ương và địa phương, ở cả trong và ngoài nước và bước đầu thu được thành công rất thiết thực thông qua việc: (i) các tuần hàng Việt Nam tại các hệ thông phân phối lớn trên thế giới như Carrefour, Aeon, Central Retail... đã trở thành thường niên, (ii) một số mặt hàng nông sản của Việt Nam như gạo, gia vị, thực phẩm ăn liền... đã lên kệ tại nước ngoài với thương hiệu riêng; và đặc biệt sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế Việt Nam International Sourcing 2023 đã thu hút sự chú ý và tham gia của hàng trăm nhà nhập khẩu, hệ thống thu mua quốc tế tới Việt Nam tìm nhà cung ứng.

Trong khuôn khổ Việt Nam International Sourcing 2023, các doanh nghiệp Việt đã kết nối giao thương với hàng trăm nhà nhập khẩu, hệ thống thu mua quốc tế tới Việt Nam tìm nhà cung ứng.

Trong khuôn khổ Việt Nam International Sourcing 2023, các doanh nghiệp Việt đã kết nối giao thương với hàng trăm nhà nhập khẩu, hệ thống thu mua quốc tế tới Việt Nam tìm nhà cung ứng.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã xây dựng 4 Chiến lược phát triển các thị trường trong khu vực châu Âu - châu Mỹ gồm: Hoa Kỳ, EU, Mỹ Latin và SNG (Cộng đồng các Quốc gia Độc lập) để kịp thời điều chỉnh và thích nghi với những biến động không ngừng của tình hình thị trường thế giới cũng như xu hướng mới trong thương mại quốc tế. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu - châu Mỹ hỗ trợ các địa phương, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường tại khu vực Âu - Mỹ. 

Thuận lợi - thách thức đan xen

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, bước sang năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường châu Âu - châu Mỹ sẽ có những điều kiện thuận lợi. Các hiệp định FTA đang có với các đối tác thị trường châu Âu - châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Nhu cầu thị trường thế giới và khu vực châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023 và có khả năng tiệm cận mức mục tiêu các Ngân hàng Trung ương đề ra cho năm 2024 (ECB và FED: 2%).

Việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đã dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư đã giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. 

Các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cũng như dành nhiều hỗ trợ tín dụng và công nghệ giúp Việt Nam. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, xuất khẩu Việt Nam lại phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong năm 2024, khi nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới, với đầy rủi ro và thách thức và khó đoán định. Năm 2024, tốc tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu - châu Mỹ dự báo thấp hơn so với năm 2023.

Cụ thể theo IMF, tốc độ tăng trưởng GDP 2024 thế giới dự báo 2,9% (so với 3% năm 2023). Tốc độ tăng trưởng GDP của các nền kinh tế lớn khu vực châu Âu - châu Mỹ năm 2024 giảm hoặc tăng không đáng kể so với năm 2023: Hoa Kỳ 1,5% (so với 2,1%), Khu vực đồng Euro 1,2% (so với 0,7%), Anh 0,6% (so với 0,5%), Nga 1,1% (so với 2,2%), Canada 1,6% (so với 1,3%), Mexico 2,1% (so với 3,2%), Braxin 1,5% (so với 3,1%), Khu vực Mỹ La tinh giữ nguyên 2,3%.

Nhiều thuận lợi đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt khai thác mạnh thị trường khu vực châu Âu - châu Mỹ.

Nhiều thuận lợi đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt khai thác mạnh thị trường khu vực châu Âu - châu Mỹ.

Song song với đó, xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác. Xu hướng “phi toàn cầu hoá” đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Việc các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Việc các nước đang dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc ra sẽ tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như: Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. 

Triển khai 4 chiến lược phát triển 4 khu vực thị trường

Trong bối cảnh đó, với mục tiêu tận dụng tối đa thuận lợi và giảm thiểu tác động của các thách thức trên đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết sẽ triển khai 4 nhóm giải pháp lớn về thị trường và doanh nghiệp trong năm 2024: 

Thứ nhất, theo dõi sát tình hình thị trường, kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình, biến động về kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp. Tăng cường cung cấp thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp xây dựng các chiến lược/ kế hoạch thích ứng phù hợp. 

Thứ hai, về nhóm giải pháp phát triển thị trường, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bên liên quan, hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương triển khai 4 Chiến lược phát triển 4 khu vực thị trường từ nay tới năm 2030, theo đó đồng bộ thực hiện các giải pháp về thông tin thị trường, tận dụng FTA đã ký kết, cũng như các khung khổ hợp tác sẵn có để đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và kênh phân phối.

Thứ ba, về nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai theo hướng cụ thể và sâu sát theo từng thị trường và ngành hàng, tập trung vào: (i) Tăng cường nhận thức của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu về các hướng tiếp cận mới với kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, nhằm mục đích thay đổi tư duy sản xuất của doanh nghiệp, khuyến khích áp dụng công nghệ, sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển; (ii) Khắc phục những hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như: thông tin thị trường, khả năng tự chủ nguyên phụ liệu, năng lực sản xuất để đảm bảo yêu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu… (iii) Huy động hệ thống chuyên gia để huấn luyện và phổ biến cho doanh nghiệp về các tiêu chuẩn, quy định mới của thị trường xuất khẩu. 

Thứ tư, chỉ đạo, phối hợp với hệ thống Thương vụ đẩy mạnh công tác vận động chính sách, phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt thị trường, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do, tháo gỡ khó khăn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.

Theo Công thương
Bạn đang đọc bài viết Xây dựng 4 chiến lược phát triển thị trường khu vực Âu - Mỹ tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan