Xem xét điều chỉnh lương tối thiểu, lương của khu vực DNNN

10/10/2022, 11:23
báo nói -

TCDN - Tại phiên họp thứ 16 Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu, tiền lương của khu vực doanh nghiệp nhà nước, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Sáng 10/10, phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cho biết tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về những nội dung hết sức quan trọng, hệ trọng, khó, có những việc cũng chưa có tiền lệ.

Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, trong đó có nội dung phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, kỳ họp này Quốc hội sẽ quyết định Kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn 3 năm giai đoạn 2023-2025 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trong đó có liên quan đến tỷ lệ động viên, tỷ lệ điều tiết ngân sách của các tỉnh, thành, các chỉ tiêu liên quan đến kinh tế vĩ mô, cân đối tài khóa, bội chi, nợ công, chỉ tiêu trả nợ,…. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt tinh thần và kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; đồng thời căn cứ vào thực tiễn ở các địa phương và chức năng, nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia trong từng ngành và lĩnh vực để cho ý kiến đánh giá thật sâu sắc về vấn đề này.

Về phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở, Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, đấy là nội dung đã được Hội nghị Trung ương 6 thảo luận, theo đó, phạm vi cho ý kiến đối với tiền lương của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, trong thời gian vừa qua, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã phát huy rất tốt chức năng thẩm tra, giám sát để phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chuẩn bị ý kiến cho Quốc hội xem xét những nội dung liên quan đến 3 lĩnh vực cả về lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn, trong phiên họp lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần của phiên họp thường kỳ thứ 15, các phiên họp trước đây để ý kiến rất sâu sắc, tâm huyết, sôi nổi và rất trách nhiệm để chuẩn bị tốt nhất các nội dung trình ra để Quốc hội xem xét, cho ý kiến và quyết định những vấn đề quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Thứ hai, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tham gia cho ý kiến về Báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của Ban Dân nguyện về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Nội dung này sẽ được kết hợp với việc xem xét, cho ý kiến đối với Báo cáo của Ban Dân nguyện về Công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2022.

Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung phát sinh được Chính phủ đề xuất bổ sung. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cho ý kiến trực tiếp vào nội dung này, đánh giá về ý nghĩa, tầm quan trọng và tác động tích cực của Nghị quyết 30 vào thành tích chung của đất nước trong thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa hỗ trợ cho người dân, cho doanh nghiệp và phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh, đặt trong những kết quả, thành tựu thời gian qua đã đạt được và ứng xử đối với thời hạn của Nghị quyết này như thế nào? Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nếu hết hiệu lực thì trên cơ sở một số kiến nghị, đề xuất của Chính phủ, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cụ thể, xem xét nội dung nào còn phải tiếp tục thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh và báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, tại phiên họp này, Chính phủ kiến nghị đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, tháo gỡ vướng mắc cho một số các dự án BOT. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội đối với vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần phải cho ý kiến kỹ lưỡng để trình Quốc hội xem xét và quyết định những vấn đề chín muồi. Cùng với đó, trên tinh thần sâu sát, cụ thể, thiết thực và tinh thần chủ động tháo gỡ những tồn tại, những vướng mắc nhưng cũng phải được bàn thảo một cách rất kỹ lưỡng, để làm sao cho "thấu lý đạt tình".

Về một số nội dung khác, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá. Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và đồng tình quyết nghị bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đề xuất, nếu đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp tại Kỳ họp thứ 4 đối với nội dung này để sớm tổ chức thực hiện.

Trong phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự để trình Kỳ họp thứ 4 và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về nhân sự tại Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe và cho ý kiến để chuẩn bị các nội dung liên quan đến kiện toàn chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước và một số vị trí Bộ trưởng, trưởng ngành trong Chính phủ theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

Về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một số nhân sự cụ thể sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch năm 2023 và phương án điều chỉnh tiền lương; kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025; Đề án định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Xem xét điều chỉnh lương tối thiểu, lương của khu vực DNNN tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Trung ương xem xét việc lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, Ban cán sự đảng Chính phủ đã nghiên cứu, xây dựng các báo cáo về tình hình phòng, chống đại dịch COVID-19; quan điểm, chủ trương và giải pháp về phòng, chống dịch, tài chính ngân sách nhà nước trong đó có việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương.