Thí điểm cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp ở 3 tập đoàn
TCDN - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, hiện các cơ quan đang thí điểm cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp ở 3 tập đoàn để rút kinh nghiệm, làm cơ sở triển khai trên quy mô cả nước.
Sáng 11/11, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) cho hay, người lao động nhiều nơi chỉ có mức thu nhập bằng hoặc hơi chút ít so với lương tối thiểu vùng, đời sống rất khó khăn, chất lượng bữa ăn ca còn thấp, không đảm bảo tái tạo sức lao động. Giải pháp gì để người sử dụng lao động quan tâm hơn tới an sinh với người lao động?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, theo tinh thần nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, lẽ ra thực hiện từ 1/7/2021, nhưng do tình hình dịch bệnh, Bộ đã báo cáo Chính phủ cho phép lùi cải cách ở khu vực doanh nghiệp chậm lại. Hiện các cơ quan đang thí điểm cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp ở 3 tập đoàn để rút kinh nghiệm, làm cơ sở triển khai trên quy mô cả nước.
Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề lương của doanh nghiệp thời gian tới sẽ có thay đổi rất căn bản. Tiền lương được xác định lương trên cơ sở giá cả sức lao động, trên nguyên tắc thị trường, có bàn tay can thiệp nhất định của nhà nước nhưng ở mức cho phép. Đề cao vai trò tự chủ của người lao động, doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động quyết định thang bảng lương, nhà nước không quyết định.
Người lao động và chủ sử dụng lao động sẽ thỏa thuận về mức lương, thu nhập dựa trên ba căn cứ là sự phát triển của doanh nghiệp; thu nhập phúc lợi của người lao động; mức lương tối thiểu vùng (mức sàn tối thiểu Nhà nước đặt ra bắt buộc các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động chi trả không được thấp hơn). Mức lương dựa trên tốc độ tăng năng suất lao động, chỉ số giá cả, khả năng chi trả của doanh nghiệp. Đây là bài toán hài hòa lợi ích.
"Chúng tôi hiểu người lao động sẽ ở thế yếu. Vì thế, chúng tôi sẽ tập trung làm tốt vai trò điều phối ba bên trong ủy ban quan hệ lao động gồm cơ quan quản lý nhà nước về lao động, đại diện của giới chủ VCCI, đại diện cho người lao động là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Theo đó, việc điều chỉnh tiền lương dựa trên mức độ tăng năng suất lao động, khả năng chi trả, mức tăng giá cả, thỏa thuận hai bên".
Nghị định số 87/2021/NĐ-CP ngày 29/9/2021 của Chính phủ về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17/2/2020 của Chính phủ về thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.
Theo đó, thực hiện thí điểm về quản lý lao động, xây dựng thang lương, bảng lương; tiền lương, tiền thưởng của người lao động và Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng; tiền lương, thù lao, tiền thưởng của thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên năm 2020 tại 3 tập đoàn, tổng công ty gồm: Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines); Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM). Thời gian thực hiện cho tới khi Chính phủ ban hành Nghị định mới.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899