Xóa thuế: Sữa, thịt heo...giá rẻ EU sẽ tràn vào Việt Nam
TCDN - Rủi ro từ dịch bệnh cộng với áp lực cạnh tranh khi tham gia các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA khiến ngành chăn nuôi chịu nhiều sức ép.
Sáng nay, 20-2, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn tổ chức hội thảo về phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hội nhập và đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Tại hội thảo, báo cáo nghiên cứu về ảnh hưởng của rủi ro dịch bệnh tới ngành hàng heo và sinh kế hộ gia đình chăn nuôi heo trong bối cảnh hội nhập cho biết, năm 2019, ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi đã khiến 341.000 tấn heo bị tiêu hủy.
Nguồn cung thịt heo sụt giảm dẫn đến giá bán lẻ thịt heo và các sản phẩm thịt bò, gà tăng mạnh. Việc nhập khẩu các sản phẩm thay thế như thịt heo, thịt trâu bò, thịt gia cầm cũng tăng mạnh.
Trong khi đó, giá thịt bán lẻ của Việt Nam cao hơn từ 20 - 25% so với giá đông lạnh nhập khẩu. Giá heo cổng trại cao hơn từ 40 - 60% so với giá cổng trại của các nước phát triển. Khả năng xuất khẩu thịt heo của Việt Nam còn hạn chế. Năm 2018, xuất khẩu thịt heo của thế giới đạt 28,46 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 44,866 triệu USD.
Rủi ro từ dịch bệnh cộng với áp lực cạnh tranh khi tham gia các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA khiến ngành chăn nuôi chịu nhiều sức ép.
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, cho biết, trong thời gian tới khi tiếp tục thực hiện các cam kết giảm thuế quan thì các mặt hàng chăn nuôi sẽ có xu hướng nhập khẩu vào nước ta nhiều hơn, tạo ra áp lực cạnh tranh ngay với các sản phẩm chăn nuôi của ta trên sân nhà.
Với EVFTA, thuế nhập khẩu thịt heo đông lạnh từ 22,5% sẽ về 0% sau 7 năm; thuế nhập khẩu heo tươi sống từ 37,5% sẽ về 0% sau 9 năm. Với CPTPP, thuế nhập khẩu thịt tươi hoặc ướp lạnh là 27%, xóa bỏ sau 10 năm; thuế nhập khẩu đối với thịt đông lạnh là 15%, xóa bỏ thuế sau 8 năm.
"Theo nghiên cứu của chúng tôi thì các sản phẩm thịt, sữa từ các thị trường này sẽ xuất sang Việt Nam tương đối nhiều. Ngược lại, các sản phẩm chăn nuôi của chúng ta xuất sang sẽ rất ít", ông Thắng nói.
Từ thực tế này, ông Trần Công Thắng cho rằng, để khai thác tối đa các lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do mang lại thì các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ hình thành các hợp tác xã và tăng liên kết với doanh nghiệp; kiểm soát chất lượng theo chuỗi, đầu tư vào hệ thống phân phối.
Cạnh đó cần tăng cường đầu tư công nghệ cao, vùng chuyên canh nguyên liệu, tập trung nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm. Xây dựng chiến lược thị trường rõ ràng, bao gồm thị trường trong nước, tìm kiếm thị trường ngách thích hợp phù hợp với năng lực cạnh tranh của mình tại thị trường EU, CPTPP để sẵn sàng tiếp cận thị trường này khi được cấp phép.
Đối với người nông dân, cần liên kết để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ động nắm bắt thông tin thị trường.
Ngành chức năng cập nhật tốt các thông tin về quy định SPS, TBT của các nước và xây dựng các tiêu chuẩn trong nước hài hòa với thông lệ quốc tế để kiểm soát chất lượng nhập khẩu. Minh bạch thông tin về các sản phẩm sữa, sản phẩm thịt nhập khẩu và tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm nhập khẩu.
Theo PLO
email: [email protected], hotline: 086 508 6899