Xử lý nợ xấu: Mở rộng quy mô, tăng cường tiềm lực tài chính của DATC

21/06/2021, 15:30

TCDN - Trong các biện pháp xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, bán nợ cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) được xem là có hiệu quả nhất. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, gánh nặng nợ xấu cần DATC giải quyết là rất lớn.

6-2

Nợ xấu nhóm Ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước dẫn đầu

Quý 1/2021, 20/26 ngân hàng có số dư nợ xấu tăng, trong đó một số ngân hàng tăng mạnh trên 30% như ACB, Vietcombank… ACB là ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh nhất trong quý đầu năm nay, tăng 61% lên 2.954 tỷ đồng.

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI Research cho biết, ACB đã chủ động phân loại lại nợ của một khách hàng doanh nghiệp lớn có thể gặp khó khăn trong tương lai. Ngoài ra, ACB cũng dự báo có thể cần hơn 2 năm để xử lý tài sản thế chấp liên quan, do đó ngân hàng đã trích lập dự phòng đầy đủ đối với khoản cho vay này. Tiếp đó, Vietcombank cũng có nợ xấu tăng khá mạnh (tăng 47%) trong 3 tháng đầu năm lên 7.697 tỷ đồng. Nợ xấu MB tăng 29% lên 4.185 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, với nợ xấu gộp khoảng 4-5% cuối năm 2020, dự báo năm 2021, khối nợ xấu này còn có thể tăng hơn nữa, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3,5% - 4% và nợ xấu gộp khoảng 5-6% đến cuối năm 2021. Nếu trong năm 2021 tình hình dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ giảm rủi ro về nợ xấu, nhưng rõ ràng số lượng nợ cơ cấu lại của các ngân hàng TMCP Nhà nước tăng mạnh so với khối ngân hàng tư nhân.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, tính đến 16/4, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020. Các TCTD cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Hiện nay TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456,6 nghìn khách hàng.

Như vậy, việc kiểm soát nợ xấu thời gian tới sẽ khó khăn thách thức rất lớn đối với ngành ngân hàng và nhất là khối Ngân hàng TMCP Nhà nước trong năm 2021. Trước thực tế khối nợ xấu tiếp tục xu hướng “phình to” trong năm 2021, để kiểm soát rủi ro nợ xấu, ông Hiếu khuyến nghị, bên cạnh việc tích cực xử lý nợ xấu, các ngân hàng cũng cần chủ động trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu.

Theo ông Hiếu, đối với hoạt động tín dụng, theo quy định hiện hành, với mỗi đồng vốn cho vay ra các NH phải trích lập 0,75% dự phòng rủi ro chung, chưa kể các khoản dự phòng rủi ro cụ thể theo nhóm nợ. Đó là nguồn lực để các ngân hàng xử lý những rủi ro liên quan đến hoạt động cho vay. Do vậy, ngân hàng nào có tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu cao sẽ có nguồn lực đối ứng để xử lý nợ xấu tốt hơn.

Nâng cao năng lực của DATC

Tuy nhiên, đại diện ngân hàng Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, trong các biện pháp xử lý nợ xấu, biện pháp bán nợ luôn được đánh giá có hiệu quả, giúp Vietcombank cơ cấu lại danh mục khoản vay nhằm đáp ứng yêu cầu về quản trị rủi ro. Đồng thời, xử lý những khoản nợ có vấn đề mà khách hàng đã bị bế tắc về nuồn trả nợ từ lâu nay (bên mua nợ trả). Nhanh chóng xử lý dứt điểm được các khoản nợ có vấn đề mà Vietcombank chỉ còn khả năng thu hồi được một phần nhằm thu hồi lại một phần vốn đã cho vay để Vietcombank tiếp tục quay vòng kinh doanh sinh lời.

Về phía khách hàng, khi khoản nợ được bán sẽ giúp khách hàng tìm được những đối tác tiềm lực tài chính, có thế mạnh về thị trường và kinh nghiệm quản trị kinh doanh để có cơ hội tái cấu trúc tài chính lành mạnh nhằm củng cố và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh phải thực hiện phá sản doanh nghiệp.

Trong các năm qua, Vietcombank và DATC đã cùng hợp tác thực hiện thành công nhiều khoản mua bán nợ, góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu, nợ có vấn đề và làm lành mạnh tình hình tài chính của Vietcombank nói riêng và hệ thống tín dụng nói chung. Nhiều khoản nợ sau khi được bán cho DATC đã được tái cơ cấu, hỗ trợ cho nhiều khách hàng có cơ hội củng cố và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tiến tới phục hồi và hoạt động hiệu quả hơn, qua đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Thực tế hoạt động của DATC cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2016, DATC đã triển khai thực hiện tốt công tác đàm phán xử lý nợ của các tổ chức tín dụng để hỗ trợ tái cơ cấu một số doanh nghiệp có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động, góp phần lành mạnh hoá nền kinh tế như Vinashin, Vinalines, Công ty thực phẩm miền Bắc, Công ty Haprosimex… Năm 2019, DATC đã trực tiếp mua và xử lý gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nói chung, doanh thu từ hoạt động mua bán xử lý nợ và tài sản là 1.785 tỷ đồng.

Riêng Vinalines, lũy kế từ năm 2015 đến 2020, DATC đã mua tổng giá trị khoản nợ từ các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trên 10.000 tỷ đồng, góp phần giúp Vinalines có cơ hội cơ cấu lại nguồn lực, thoát khỏi việc bị chủ nợ kiện ra tòa, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời góp phần phát triển kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng.

Một số chuyên gia cho rằng, với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, gánh nặng nợ xấu cần DATC giải quyết là rất lớn. Do đó, vấn đề mở rộng quy mô, nâng cao tiềm lực tài chính nhằm phát huy tốt hơn vai trò của DATC trong sứ mệnh xử lý nợ xấu là thực sự quan trọng. Theo đó, để nâng cao năng lực DATC cần nhanh chóng giải quyết các khoản nợ đã mua thông qua việc kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ các khách nợ trong việc nâng cao năng lực tài chính, xử lý các tài sản bảo đảm nhằm thu hồi nợ. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần có những quy định về trình độ chuyên môn của các cán bộ, chuyên viên tham gia xử lý nợ trong các tổ chức này. Đồng thời, DATC cũng cần được nâng cao tiềm lực tài chính bằng các phương pháp huy động vốn từ cộng đồng hoặc chủ sở hữu cấp thêm vốn.

Có thể thấy, việc tăng cường các biện pháp xử lý nợ xấu đi kèm với nâng cao năng lực của DATC là vô cùng cần thiết bên cạnh việc ngân hàng thương mại cần kiểm soát rủi ro tín dụng tốt hơn, cải thiện chất lượng các khoản nợ. Điều này giúp lành mạnh, trong sạch thị trường tài chính và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nhanh chóng giải quyết tình hình nợ xấu đáng báo động tại Việt Nam.

Ngày 05/06/2003 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 109/2003/QĐ - TTg thành lập Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp.

Công ty chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2004, được công nhận Doanh nghiệp Nhà nước hạng đặc biệt theo Quyết định số 55/2004/QĐ - TTg ngày 06/04/2004 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu xử lý các khoản nợ tồn đọng và tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, vật tư ứ đọng kém, mất phẩm chất (gọi tắt là nợ và tài sản tồn đọng) góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi các DNNN.

Trong 18 năm hoạt động, Công ty đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, đổi mới, ngày một lớn mạnh với từng bước đi vững chắc, gây dựng niềm tin ở các nhà đầu tư và tạo sự tín nhiệm đối với khách hàng. Hiện nay, phạm vi hoạt động của Công ty đã được mở rộng, ngoài Trụ sở chính tại Hà Nội còn có thêm Chi nhánh, Trung tâm tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và các đơn vị thành viên khác trên khắp địa bàn trong cả nước.

Thu Trang

Tạp chí in số tháng 6/2021
Bạn đang đọc bài viết Xử lý nợ xấu: Mở rộng quy mô, tăng cường tiềm lực tài chính của DATC tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Agribank: Nợ xấu tăng 30%, “ôm” 89% bất động sản thế chấp
Theo BCTC, năm 2020, tổng tài sản Agribank ở mức gần 1,57 triệu tỷ đồng, nợ xấu tăng 20,6%, trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm 76% nợ xấu, tăng 30%. Tại BCKT 2020, tài sản thế chấp, cầm cố tại Agribank có giá trị vượt 2 triệu tỷ đồng, riêng tài sản đảm bảo là bất động sản chiếm tới 89%.