Xuất khẩu hồ tiêu: Lượng tăng, kim ngạch giảm, bấp bênh kéo dài?

23/08/2019, 14:45

TCDN - Trong khi giá hồ tiêu ở mức rất thấp thì chi phí sản xuất lại có chiều hướng tăng. Do vậy, dù trong 8 tháng đầu năm 2019, Việt Nam dù đã xuất khẩu tiêu tăng 27,9% so với cùng kỳ, nhưng kim ngạch lại giảm 2,1%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Dự báo xuất khẩu hồ tiêu vẫn còn gặp khó.

Xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam dự kiến còn gặp khó khăn trong thời gian tới

Xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam dự kiến còn gặp khó khăn trong thời gian tới

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 100.000 ha hồ tiêu cho thu hoạch với năng suất trung bình khoảng 24,7 tạ/ha, tương đương sản lượng khoảng 247.000 tấn. Tuy nhiên trong khi giá hồ tiêu vẫn ở mức rất thấp thì chi phí sản xuất lại có chiều hướng tăng, ít nhất 10% so với năm 2017. Đây cũng là lý do trong 8 tháng đầu năm 2019, Việt Nam dù đã xuất khẩu tiêu đạt 224.000 nghìn tấn, tăng 27,9% so với cùng kỳ, nhưng kim ngạch lại giảm nhẹ 2,1% và chỉ đạt 571 triệu USD, do giá xuất khẩu giảm 23,4%.

 vào ngày 23 tháng 8 năm 2019, tại tỉnh Đắk Nông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức và đồng chủ trì “Hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu các Hiệp định thương mại tự do”. 

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2018, giá tiêu giảm đã ảnh hưởng đến ngành hồ tiêu Việt Nam, xuất khẩu hồ tiêu đang và sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do giá ở mức thấp khi cung lớn hơn cầu và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới.

Nhu cầu thế giới hiện khoảng 510.000 tấn/năm và bình quân mỗi năm chỉ tăng 2 - 3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8 - 10%. Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2018 đạt 557.000 tấn và dự kiến đạt 602.000 tấn năm 2019. Dự báo đến 2050, sản lượng hạt tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn và nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do vậy, giá tiêu có thể vẫn còn bấp bênh trong một thời gian nữa.

Trong bối cảnh xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục đối diện nhiều khó khăn và sức ép cạnh tranh lớn thì các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết gần đây như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được đánh giá là cơ hội mở rộng xuất khẩu cho ngành hồ tiêu.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương Trần Quốc Toản, đối với mặt hàng hồ tiêu, Hiệp định CPTPP có 9 nước cam kết xóa bỏ ngay lập tức thuế quan gồm: Úc, New Zealand, Canada, Malaysia, Singapore, Brunei, Chile, Peru, Nhật Bản. Riêng thị trường Mexico cam kết xóa bỏ thuế theo lộ trình 16 năm đối với mặt hàng hồ tiêu xanh. Đáng chú ý, trong các nước CPTPP, chỉ có Malaysia là nước có sản xuất hạt tiêu đáng kể, tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu không nhiều, chỉ chiếm khoảng 3% lượng xuất khẩu toàn cầu. Do vậy, có thể nói hồ tiêu Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khá lớn trong các nước CPTPP (đặc biệt là đối với 03 nước chưa có Hiệp định thương mại nào với Việt Nam là Canada, Mexico và Peru).

Đối với Hiệp định EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu (mã HS 0904) ngay khi hiệp định có hiệu lực. Do vậy, EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%).

Như vậy, đối với hồ tiêu, công tác đàm phán mở cửa thị trường về thuế quan, về quy tắc xuất xứ đã được thực hiện tốt trong thời gian qua. Do đó, để có thể tận dụng tốt các cơ hội nêu trên, doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu thông tin về các Hiệp định để nắm vững cam kết giữa Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Bên cạnh đó, trên thực tế, giá bán hồ tiêu sẽ phụ thuộc vào chủng loại hạt cũng như chất lượng của hạt (nếu cùng chủng loại), do đó, để nâng cao giá bán cho hồ tiêu, biện pháp cốt lõi nằm ở khâu trồng trọt và khâu sau thu hoạch. Do vậy, ngành hồ tiêu cần đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới, chú trọng về chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và tham gia vào các thị trường có giá trị gia tăng cao để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.

Bộ Công Thương khuyến cáo, để nâng cao sức cạnh tranh và tận dụng được lợi thế của các hiệp định thương mại, ngành hồ tiêu phải đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã và đang tích cực thực hiện công tác quảng bá hồ tiêu ở thị trường nước ngoài đồng thời hỗ trợ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại của mình, trong đó đặc biệt chú trọng đến khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU.

Các chương trình xúc tiến thương mại này được triển khai trên cơ sở thường xuyên, định kỳ đã và sẽ tạo cơ hội thiết thực cho các doanh nghiệp củng cố, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, Bộ Công Thương luôn theo dõi sát sao, cập nhật tình hình diễn biến giá cả, tiến độ xuất khẩu hạt tiêu, những biến động của thị trường thế giới, nghiên cứu dự báo tình hình thị trường xuất khẩu, nhập khẩu để kịp thời thông báo, phổ biến, hướng dẫn các Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm định hướng, tổ chức kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp, kịp thời chuẩn bị, ứng phó với những biến động của thị trường.

Minh Tình
Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu hồ tiêu: Lượng tăng, kim ngạch giảm, bấp bênh kéo dài? tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan