Xuất nhập khẩu hàng hoá: Những kỷ lục nhìn từ “người gác cửa” nền kinh tế
TCDN - Trong suốt gần 30 năm hội nhập, thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu của ngành Hải quan cho thấy, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các nước có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Đáng chú ý, năm 2022, Việt Nam chứng kiến kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc kỷ lục mới với 700 tỷ USD.
Năm 1995 ghi đậm dấu ấn với hàng loạt sự kiện đáng nhớ của Việt Nam, đặt bản lề đối với tiến trình mở cửa và hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới. Đó là sự kiện Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), gửi đơn gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và đặc biệt là bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Kể từ năm 1995, gần 30 năm qua, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến quá trình chuyển mình mạnh mẽ, từng bước thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ khả năng hợp tác thương mại, đầu tư, hội nhập, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã cho thấy những bước đi mạnh mẽ, liên tiếp chinh phục và phá vỡ các mốc kỷ lục.
Xuất nhập khẩu liên tục phá kỷ lục
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu lần đầu tiên đạt dấu mốc 100 tỷ USD vào năm 2007. Chỉ sau 4 năm, vào năm 2011, tổng trị giá xuất nhập khẩu đã bằng gấp đôi, đạt con số 200 tỷ USD.
Đặc biệt, vào giữa tháng 12/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu đã đạt mức 400 tỷ USD.
Sau đó, cứ mỗi chu kỳ 2 năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam lại tăng thêm 100 tỷ USD. Theo đó, trị giá xuất nhập khẩu đã cán mốc 500 tỷ USD vào nửa cuối tháng 12/2019 và cán mốc 600 tỷ USD vào tháng 11/2021.
Ấn tượng hơn trong năm 2022, trị giá xuất nhập khẩu bứt tốc thần kỳ, cán mốc 700 tỷ USD.
Theo xếp hạng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.
Đáng chú ý, trong khi thứ hạng của các nước ASEAN trì trệ, trong vài năm gần đây thì thứ hạng của Việt Nam có những bước tăng trưởng vượt bậc.
Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2019, Việt Nam xếp vị trí thứ 2 trong khối ASEAN, vượt qua cả Thái Lan và Malaysia và chỉ xếp sau Singapore.
Đến năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng hóa xếp vị trí thứ 23 trên thế giới, trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam xếp vị trí thứ 20 trên thế giới.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2012, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu).
Đến năm 2022 mức xuất siêu thương mại của Việt Nam dự báo đạt trên 10 tỷ USD.
Công tác thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu năm 1995 cũng là cột mốc đánh dấu việc chuyển đổi từ việc thống kê dựa trên nguồn số liệu cấp giấy phép xuất nhập khẩu theo chuyến sang thống kê dựa trên tờ khai hải quan. Và việc thực hiện công tác thống kê này được chính thức chuyển giao sang cho Tổng cục Hải quan.
Thống kê hàng hóa bằng công nghệ
Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước những năm qua, ngành hải quan có những đổi mới không ngừng với vai trò trung tâm trong các giao dịch thương mại.
Công tác thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu, chuyển đổi từ phương pháp quản lý thủ công sang phương pháp quản lý hiện đại, dựa trên cơ sở quản lý rủi ro.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết ngay từ năm 1995, cơ quan này đã ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê hải quan trên phạm vi toàn quốc. Nguồn dữ liệu chủ yếu phục vụ công tác thống kê là tờ khai hải quan và các chứng từ liên quan. Hiện tại, hơn 99% tờ khai hải quan đã được số hóa phục vụ quản lý hải quan và thống kê hải quan.
Đến nay, về cơ bản, Tổng cục Hải quan đã ứng dụng hoàn toàn công nghệ thông tin trong công tác thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu từ thu thập đến phổ biến thông tin thống kê.
“Kinh nghiệm của hải quan một số quốc gia tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ cho thấy , số liệu thống kê về xuất nhập khẩu được cập nhật hàng ngày, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Để công tác thống kê hải quan hiệu quả, chất lượng, ngành hải quan sẽ xây dựng một cơ sở dữ liệu chứa đựng thông tin giao dịch và vận tải xuyên biên giới của tất cả các bên tham gia giao dịch cũng như các cơ quan quản lý các giao dịch đó”, một lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết.
Theo đó, cơ sở dữ liệu này được lưu trữ và quản lý tập trung, làm nền tảng để xây dựng lên các báo cáo thống kê, ứng dụng công nghệ mới để phân tích, dự báo, chia sẻ cho các bên liên quan.
Cũng trên nền tảng này, cơ quan hải quan sẽ xây dựng các sản phẩm thống kê, cung cấp dịch vụ khai thác, chia sẻ dữ liệu lại cho tất cả các bên liên quan.
Để phục vụ việc điều hành kinh tế, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ tập trung phát triển một số nội dung liên quan đến hoạt động thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu.
Thứ nhất, xây dựng các sản phẩm thống kê không chỉ phục vụ cho cơ quan nhà nước mà còn phục vụ các đối tượng dùng tin khác để mở rộng thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập của nền kinh tế nói chung.
Thứ hai, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tự động hóa các khâu trong thu thập, xử lý dữ liệu thống kê.
“Hướng tới, ứng dụng dữ liệu lớn, áp dụng các mô hình toán và thuật toán phân tích dữ liệu nâng cao, trí tuệ nhân tạo để phục vụ phân tích, dự báo; hỗ trợ quản lý, điều hành, ra quyết định ở các cấp”, Tổng cục Hải quan cho hay.
Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hải quan, trong đó có cơ sở dữ liệu về hàng hóa xuất nhập khẩu. Chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại xuyên biên giới, vừa hỗ trợ khu vực tư trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh cũng như thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ánh Tuyết
email: [email protected], hotline: 086 508 6899