19 tập đoàn, tổng công ty nộp ngân sách hơn 70.000 tỷ đồng trong 5 tháng
TCDN - Trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ước đạt hơn 823.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 28.000 tỷ đồng; giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 70.000 tỷ đồng.
Khai thác nguồn vốn, tài sản chưa tương xứng với những gì được được giao
Báo cáo tại Hội nghị Thủ tướng làm việc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chiều 15/6, riêng năm 2023, tổng doanh thu của các DNNN đạt hơn 1,652 triệu tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch; lợi nhuận hơn 125.000 tỷ đồng. Trong đó, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Viettel có doanh thu đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 79% tổng doanh thu. Tổng số tiền thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước của khu vực DNNN là hơn 166.000 tỷ đồng, đạt 108% so với kế hoạch phê duyệt.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ước đạt hơn 823.000 tỷ đồng, bằng 112% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 28.000 tỷ đồng, bằng 133% so với cùng kỳ; giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 70.000 tỷ đồng.
Thủ tướng cho rằng bên cạnh các kết quả đạt đạt, hoạt động của các DNNN còn nhiều hạn chế, khuyết điểm.
Theo đó, việc khai thác nguồn vốn, tài sản chưa tương xứng với những gì được được giao; hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN nói chung chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, tình hình thế giới, có doanh nghiệp thua lỗ, một số tập đoàn, tổng công ty không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Khu vực DNNN nhìn chung còn tồn tại những chậm trễ, vướng mắc về thể chế, dẫn tới mất cơ hội, giảm hiệu quả hoạt động, chưa thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác. Hệ thống pháp luật về DNNN, quy trình, thủ tục báo cáo, phê duyệt còn nhiều tầng nấc, chưa phân cấp triệt để, phải được sự chấp thuận của nhiều cơ quan.
Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng. Quy mô đầu tư phát triển và sự tham gia của các DNNN vào các dự án trọng điểm quốc gia còn khiêm tốn, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực mới như năng lượng sạch, tái tạo, hydrogen, công nghệ cao như sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Hiệu quả đầu tư phát triển về tổng thể chưa đạt như kỳ vọng, một số dự án có vốn đầu tư lớn tiềm ẩn rủi ro, lỗ lũy kế lớn, liên tiếp trong nhiều năm.
Phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả, một số doanh nghiệp chưa tối ưu được hiệu quả nguồn vốn, quyết định đầu tư khi năng lực tài chính chưa đáp ứng yêu cầu mà chủ yếu dựa vào vốn vay, một số dự án tồn đọng kéo dài.
Năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ còn nhiều bất cập, còn lạc hậu so với xu thế phát triển; công tác điều hành quản trị kinh doanh chưa được đổi mới nhiều, chưa thực sự hướng theo các nguyên tắc, thông lệ quốc tế, phù hợp kinh tế thị trường hiện đại.
Chế độ đãi ngộ, xử lý trách nhiệm còn mang tính hành chính nhiều, chưa tạo động lực gắn với trách nhiệm theo cơ chế thị trường, năng lực quản trị, đầu tư, triển khai dự án nói chung còn thiếu, yếu. Phần lớn DNNN do địa phương quản lý năng lực còn hạn chế, hiệu quả kinh doanh thấp.
Xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành của nước ngoài, lãnh đạo không phải đảng viên
Thủ tướng nhấn mạnh, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, DNNN là lực lượng quan trọng, nòng cốt đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Đây là nhiệm vụ quan trọng của các DNNN.
Phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tinh thần sáng tạo, yêu nước, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để thực hiện sứ mệnh cao cả này. Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chip bán dẫn, hydorgen, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).
Tiếp tục rà soát, triển khai hiệu quả các đề án cơ cấu lại, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm đã được phê duyệt; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án dở dang, chậm tiến độ nhiều năm, thực hiện công tác quyết toán các dự án đúng thời hạn quy định.
Thủ tướng nêu rõ, "Chiến lược đúng sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức. Vì vậy, với kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng lộ trình chi tiết, cụ thể ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như phấn đấu đạt toàn bộ các chỉ tiêu chủ chốt gồm doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, thu nhập bình quân của người lao động”.
Thủ tướng yêu cầu chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh của DNNN một cách căn cơ, bài bản, toàn diện, bền vững thông qua đổi mới, tối ưu hoá các phương thức sản xuất, hợp tác, công nghệ, quản trị, nhân sự…; chú trọng đổi mới công tác cán bộ, nguồn nhân lực là then chốt của then chốt, tuyển dụng, thuê nguồn nhân lực chất lượng cao, xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành của nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên; xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, tiền lương phù hợp.
Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư phát triển của DNNN để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới, 3 đột phá chiến lược. Quán triệt, nhận thức rõ ưu thế nổi trội về nguồn lực, về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao đang nắm giữ.
Ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng có lợi thế cạnh tranh, khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899