19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn đạt doanh thu hơn 580.000 tỷ đồng
TCDN - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, ước tính kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 580.490 tỷ đồng, đạt 53,7% kế hoạch năm, tăng 4.% so với cùng kỳ.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Kết quả khả quan, nhưng một số doanh nghiệp vẫn chưa đạt kết quả được giao
Theo UBQLV, về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh tổng hợp của 19 tập đoàn, tổng công ty có tăng trưởng; hiệu quả ổn định; một số tập đoàn, tổng công ty tăng trưởng khá nhanh.
Ước tính kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu đạt 580.490 tỷ đồng (bằng 53,7% kế hoạch năm, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022); tổng lợi nhuận trước thuế (không tính EVN) đạt 18.195 tỷ đồng (bằng 56,7% kế hoạch năm); tổng nộp ngân sách đạt 33.520 tỷ đồng (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước).
Đáng chú ý, một số tập đoàn, tổng công ty đã tích cực mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đóng góp vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Điển hình như giá trị xuất khẩu gạo tăng khoảng 250% so với cùng kỳ, đạt 77% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu sản phẩm thuốc lá bằng cùng kỳ năm 2022, bằng 63% kế hoạch năm…
Có thể thấy, thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục giữ vị trí, vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng; bảo đảm cân đối lớn và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quan trọng cho nền kinh tế.
UBQLV cho biết, mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng vẫn còn một số tồn tại hạn chế của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như một số tập đoàn, tổng công ty chưa đạt được một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh mà Ủy ban đã giao.
Do khó khăn khách quan, một số tập đoàn, tổng công ty có mức lợi nhuận âm, trong đó có những doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò quan trọng làm ảnh hưởng không nhỏ tới tổng lợi nhuận chung của 19 tập đoàn, tổng công ty. Điển hình như Công ty mẹ EVN dự kiến lỗ 35.412 tỷ đồng, hợp nhất lỗ 28.744 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023.
Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai; công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất tại các tập đoàn, tổng công ty nhìn chung còn chậm so với yêu cầu đề ra.
Một trong những nguyên nhân của những hạn chế này là do ảnh hưởng từ biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, thị trường xuất nhập khẩu của một số doanh nghiệp chịu nhiều tác động của thị trường quốc tế; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…
UBQLV đề nghị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Tổng công ty Cà phê việt Nam (Vinacafe) cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Ủy ban Quản lý vốn phải có phần trách nhiệm khi thiếu điện
Trình bày tham luận tại Hội nghị, đồng chí Hồ Công Trung – Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng cho biết: Trong thời gian cuối tháng 5 đến giữa tháng 6/2023, do những diến biến phức tạp của khí hậu đã dẫn đến tình trạng thiếu điện cục bộ tại Miền Bắc. Thời điểm hiện tại, tuy việc cung cấp điện đã được cải thiện, khắc phục cơ bản tình trạng thiếu điện, nhưng những diễn biến trước, trong và cho đến hiện nay đặt ra những nhiệm vụ đầy thách thức và nặng nề về bảo đảm an ninh năng lượng nói chung và cung cấp điện nói riêng đối với một số doanh nghiệp thuộc Ủy ban, trực tiếp là EVN và một số Tập đoàn năng lượng như Petrovietnam và TKV.
Vụ đã báo cáo Lãnh đạo Ủy ban có văn bản gửi các Bộ Ngành để thông tin, đề cập đến các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Về cấp than cho sản xuất điện, trong tháng 5/2023, TKV đã thực hiện giao bổ sung cho các nhà máy nhiệt điện của EVN khoảng 300.000 tấn than so với hợp đồng đã ký. Tháng 6/2023, TKV cấp tăng khoảng 505 ngàn tấn than cho các Nhà máy nhiệt điện so kế hoạch ban đầu, trong đó các Nhà máy nhiệt điện EVN tăng 208 ngàn tấn, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 của Petrovietnam tăng 160 ngàn tấn, còn lại các Nhà máy nhiệt điện khác là 137 ngàn tấn.
Về vấn đề cấp khí cho sản xuất điện, so với sản lượng khai thác trung bình 04 tháng đầu năm 2023, dự báo sản lượng khí tối đa theo ngày các tháng 5, 6, 7, được dự báo cao hơn 3-10%. Petrovietnam sẽ phối hợp cùng Người điều hành các Lô Hợp đồng nỗ lực khai thác ở mức tối đa để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Về khắc phục sự cố tổ máy, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo EVN, Petrovietnam và TKV, đến nay một số tổ máy của các Nhà máy nhiệt điện Sơn Động, Mạo Khê (TKV), Hải Phòng, Thái Bình 1, Quảng Ninh (EVN), Thái Bình 2 (Petrovietnam) đã đưa vào vận hành cơ bản ổn định, góp phần cùng EVN đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc.
Dù có nhiều nỗ lực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, nhưng trước tình trạng thiếu điện ở miền Bắc trong thời gian qua, mới đây, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cho rằng ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cũng phải có một phần trách nhiệm trong việc đẩy nhanh đầu tư các dự án điện mới.
Cụ thể, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng khi để xảy ra tình trạng thiếu điện, không chỉ có trách nhiệm của Bộ Công Thương, mà còn trách nhiệm của các bộ ngành khác, trong đó không thể không kể đến Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp. Cơ quan này đang là đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại 7 tập đoàn và 12 tổng công ty. Trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Theo tính toán, Chính phủ đang giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, quản lý tổng số tài sản khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và 820.000 tỷ đồng vốn Nhà nước.
Ông Hạ cho rằng một trong những vướng mắc mà Ủy ban đang gặp phải là chậm phát triển các dự án năng lượng mới. Điển hình như dự án Nhiệt điện Ô Môn III và IV (Cần Thơ) đã chậm trễ nhiều năm mà chưa thể triển khai.
“Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cần phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ mà Chính phủ giao để hoạt động hiệu quả, đẩy nhanh các dự án điện mới. Tôi cho rằng Ủy ban cần phải hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch, rõ ràng, rõ trách nhiệm của mình”, ông Hạ nói.
Ngoài ra, theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho biết “Phải thừa nhận trách nhiệm hiện nay là Bộ Công Thương đưa ra quy hoạch, phát triển nguồn nhưng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới là cơ quan quyết việc đầu tư, chi tiền đầu tư của EVN. Nếu không được ủy ban này duyệt, EVN hay Bộ Công Thương cũng không thể nhúng tay vào làm thay. Phải nói rõ, việc phê duyệt dự án, để các dự án điện đầu tư triển khai chậm tiến độ không thể không có vai trò và trách nhiệm của UBQLV” ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho rằng, về mặt quản lý, tất cả các hoạt động, vận hành và đầu tư của EVN đều phải báo cáo đồng thời cho Bộ Công Thương và UBQLV, vì vậy ủy ban này đương nhiên cũng phải tích cực đồng hành với các cơ quan trong việc tham gia giải quyết cũng như chịu trách nhiệm cho việc thiếu điện hiện nay.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899