Giải đáp việc áp dụng mức thuế suất phù hợp cho linh kiện, phụ tùng ôtô nhập khẩu

19/07/2023, 15:39
báo nói -

TCDN - Bộ Tài chính giải đáp vướng mắc về việc áp dụng mức thuế suất phù hợp cho linh kiện, phụ tùng ôtô nhập khẩu.

Hỏi: Công ty TNHH Daehan Motors, có trụ sở tại Lô D2, D3, D4, D5, Đường số 8, KCN Cơ khí ô tô Tp. HCM, Xã Hoà Phú, Huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh, mã số thuế: 0313378174, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp xe ô tô. Công ty đã được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất lắp ráp ô tô số 985/GCN/BCT ngày 25/03/2020.

Nghị định 26/2026/NĐ-CP ngày 31/05/2023, điểm b.5.1 khoản 2 Chương 98, có thay đổi về điều kiện phân loại và áp dụng mức thuế xuất nhập khẩu cho hàng hóa là bộ linh kiện CKD đồng bộ hoặc bộ linh kiện không đồng bộ của ô tô. Theo đó đối với bộ linh kiện CKD đồng bộ hoặc bộ linh kiện không đồng bộ để lắp ráp xe ô tô chỉ cần đảm bảo Tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, thì được lựa chọn áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo từng linh kiện phụ tùng quy định tại 97 chương, không cần đáp ứng điều kiện về mức độ rời rạc tối thiểu của linh kiện ô tô.

Như vậy trong trường hợp công ty TNHH Daehan nhập khẩu bộ linh kiện CKD để lắp ráp xe tải dưới 5 tấn, không tham gia chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô chương 9849, trong đó có mặt hàng khung xe và cabin đã được hàn với nhau, đã sơn tĩnh điện (mã HS 87079090) thì có phù hợp với quy định và được phân loại và áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi từng linh kiện, phụ tùng theo mã HS tại 97 chương thuộc Mục I Phụ lục II Nghị định 26/2026/NĐ-CP ngày 31/05/2023 hay không. Mong nhận được phản hồi từ quý cơ quan, tạo điều kiện giúp công ty chúng tôi có thể phân loại áp dụng mức thuế suất phù hợp. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ ban hành Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan (có hiệu lực từ ngày 15/7/2023): “...Việc phân loại hàng hoá và áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi tại Chương 98 đối với mặt hàng bộ linh kiện ô tô rời đồng bộ (bộ linh kiện CKD của ô tô), mặt hàng bộ linh kiện ô tô không đồng bộ, mặt hàng khung gầm đã gắn động cơ, có buồng lái (ô tô sát xi, có buồng lái) được thực hiện theo quy định tại khoản 1.1 Mục II Phụ lục II.”

 Căn cứ khoản 1.1 Mục II Phụ lục II Nghị định số 26/2023/NĐ-CP:

“1.1. Bộ linh kiện CKD của ô tô hoặc bộ linh kiện không đồng bộ nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ô tô được phân loại và áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Chương 98 theo hướng dẫn tại điểm b.5 khoản 2 Chương 98 hoặc quy định tại nhóm 98.21, nhóm 98.36 hoặc nhóm 98.49.”

Theo quy định tại điểm b.5 khoản 2 mục II Phụ lục II Nghị định số 26/2023/NĐ-CP:

“b.5) Hàng hoá nhập khẩu là bộ linh kiện CKD và bộ linh kiện không đồng bộ của ô tô để sản xuất, lắp ráp ô tô:

Doanh nghiệp nhập khẩu bộ linh kiện CKD hoặc bộ linh kiện không đồng bộ của xe ô tô đượcphân loại và áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo từng linh kiện, phụ tùng quy định tại 97 chương thuộc Mục I Phụ lục II hoặc lựa chọn phân loại và áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo bộ linh kiện CKD và bộ linh kiện không đồng bộ của xe ô tô quy định tại nhóm 98.21 hoặc áp dụng theo xe ô tô nguyên chiếc quy định tại 97 chương. Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn cách tính thuế theo từng linh kiện, phụ tùng ô tô hoặc nhóm 98.21 thì phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điểm b.5.1 khoản này.

b.5.1) Điều kiện áp dụng:

Linh kiện phải do các doanh nghiệp đảm bảo Tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập  khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô trực tiếp nhập khẩu để sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân được các doanh nghiệp đảm bảo Tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô ủy quyền nhập khẩu, uỷ thác nhập khẩu hoặc nhập khẩu kinh doanh. Trường hợp ủy thác nhập khẩu thì phải có hợp đồng ủy thác, trường hợp nhập khẩu kinh doanh thì phải có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có đủ điều kiện lắp ráp xe ô tô theo quy định khi làm thủ tục hải quan nhập khẩu.

Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu bộ linh kiện CKD hoặc bộ linh kiện không đồng bộlựa chọn cách tính thuế theo từng linh kiện, phụ tùng ô tô hoặc nhóm 98.21 nhưng cơ quan hải quan qua thanh tra, kiểm tra phát hiện doanh nghiệp không sử dụng các bộ linh kiện này để thực hiện sản xuất, lắp ráp xe ô tô thì truy thu theo thuế suất thuế nhập khẩu của xe ô tô nguyên chiếc và bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật quản lý thuế…”

Như vậy, trường hợp doanh nghiệp không tham gia chương trình ưu đãi thuế, nhập khẩu bộ linh kiện CKD để sản xuất, lắp ráp xe tải dưới 5 tấn nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điểm b.5.1 khoản 2 mục II Phụ lục II Nghị định số 26/2023/NĐ-CP thì được phân loại và áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo từng linh kiện, phụ tùng quy định tại 97 chương thuộc Mục I Phụ lục II Nghị định số 26/2023/NĐ-CP.  

Đề nghị Công ty đối chiếu với các quy định nêu trên để thực hiện hoặc liên hệ trực tiếp Chi cục Hải quan nơi dự kiến làm thủ tục hải quan để được hướng dẫn.

PV
Bạn đang đọc bài viết Giải đáp việc áp dụng mức thuế suất phù hợp cho linh kiện, phụ tùng ôtô nhập khẩu tại chuyên mục Hỏi - Đáp của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899