Doanh nghiệp tiếp tục muốn miễn giảm thuế phí, nhanh chóng hoàn thuế GTGT
TCDN - Để hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục và phát triển, doanh nghiệp đề nghị tiếp tục được miễn giảm các loại thuế phí, đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT.
Tại Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn tạo không gian mới cho doanh nghiệp ngày 19/7, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng, cần có thêm những biện pháp cụ thể hơn về miễn giảm thuế phí để tăng cầu tiêu dùng mạnh hơn nữa đồng thời lấy lại niềm tin của xã hội và giới đầu tư.
“Hiện thị trường bất động sản không chỉ mắc về lãi suất cho người mua nhà quá cao mà tâm lý thị trường cả người mua và người bán đều có những băn khoăn ngại ngần về những chính sách ta có thể ban hành. Đơn cử đánh thuế bất động sản thứ 2 - những chính sách như vậy cần cân nhắc kỹ về cả thời điểm ban hành và những quy định cụ thể vì sẽ tác động rất mạnh vào thị trường bất động sản trong khi chúng ta đang dùng mọi biện pháp để tháo gỡ, phục hồi”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hiệp, tâm lý của các chủ đầu tư cũng đang phân vân ngần ngại trong tâm trạng chờ đợi các khung pháp lý mới vì vậy chưa tạo được sự chuyển biến trong môi trường đầu tư.
Do đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp nêu rõ, tổng thể trong gian đoạn hiện nay cần việc nới lỏng chính sách tài khoá, kích cầu tiêu dùng đồng thời cố gắng giảm các khoản phí, thuế cho các doanh nghiệp và người dân để tạo tâm lý cho thị trương. Qua thời gian khủng hoảng, Quốc hội và Chính phủ có thể điều chỉnh cân đối lại.
Cùng với đó, tập trung kiểm tra rà soát để tháo bỏ mọi rào cản trong môi trường kinh doanh, cần sớm rà soát lại các quy định chúng ta đang áp dụng ở mọi ngành kinh tế và kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính và phải quy định cấp thẩm quyền nào mới được đưa ra các quy định để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, thời gian gần đây ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn, sản lượng xuất khẩu của năm nay so với các năm trước giảm đáng kể.
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ mong muốn, nguồn vốn vay ngoại tệ có thể giảm xuống 3,8% để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tăng tính cạnh tranh. Đặc biệt, cần sớm tiến hành việc hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp ngành gỗ khi số tiền cần hoàn là rất lớn. Đồng thời đưa các doanh nghiệp ngành gỗ ra khỏi luồng doanh nghiệp rủi ro cao trong hoàn thuế, bởi nguồn nguyên liệu chủ yếu từ rừng trồng của nông dân nên để đáp ứng yêu cầu của cơ quan thuế rất khó...
Trong khi đó, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) đề xuất, tăng thời hạn thêm cho khác khoản vay đến hạn, hỗ trợ lãi suất; giảm các khoản vay cũ quý 3, quý 4 năm 2022; tư vấn về giải pháp vượt qua giai đoạn khó khăn do suy thoái kinh tế và đối thủ cạnh tranh. Đồng thời tạo cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực đấu thầu tham gia các dự án của nhà nước, hoặc có vốn ngân sách đầu tư.
Bên cạnh đó, ông Mạc Quốc Anh cũng đề xuất, doanh nghiệp cần hỗ trợ thuế nhập khẩu 0% cho hàng cần nhập khẩu (Spunlace non-woven fabric). Giảm thuế nhập khẩu cho mặt hàng vải không dệt sớm theo lộ trình giảm thuế theo cam kết 4 năm/lần.
Cho biết hiện vấn đề hoàn thuế GTGT rất khó, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh cần có cơ chế cho các doanh nghiệp làm dịch vụ xuất nhập khẩu để chi phí xuất nhập hàng giảm xuống.
Nguyễn Phước Hải, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Công nghệ CMC/TGĐ CMS đề nghị nâng cao vai trò hỗ trợ của nhà nước đối với lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ông Hải dẫn chứng, tại Việt Nam, việc dạy và học các nhóm ngành công nghệ thông tin như: Chip, Robotics, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá… vẫn đang rất khó. Bởi các trường đào tạo cần phải có kinh phí đầu tư các Phòng thí nghiệm, đầu tư nhân lực để đồng bộ và vận hành hài hòa.
“Tôi cho rằng, chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp, Viện nghiên cứu và trường đại học, chia sẻ kiến thức và tài nguyên, cùng với việc cung cấp các khoản hỗ trợ về cơ sở hạ tầng phục vụ cho nghiên cứu. Nhà nước cần có những chính sách kinh tế, như: thuế, tín dụng... hỗ trợ cho việc tiếp cận và triển khai cho doanh nghiệp”, ông Hải nhấn mạnh.
GS.TS Hoàng Văn Cường nhận định, chính sách tài khoá hiện được doanh nghiệp đồng tình nhưng ngoài ra các phần như bảo hiểm xã hội, công đoàn… doanh nghiệp phải đóng hơn 30% cho các chi phí này là gánh nặng, làm doanh nghiệp phải sa thải bớt lao động trong bối cảnh khó khăn. Do đó, ông Cường cho rằng cần phân tích kỹ và tính đến giãn hoãn, thậm chí cắt giảm các chi phí này.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899