"Cần kiểm soát việc ra quy định mới làm tăng chi phí cho doanh nghiệp"

19/07/2023, 11:03
báo nói -

TCDN - Trước tình trạng khó khăn của doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kiến nghị, trong ngắn hạn, cần tập trung kiểm soát việc ban hành quy định mới làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, không ban hành nếu chưa cấp bách.

Tại Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn tạo không gian mới cho doanh nghiệp ngày 19/7, theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn: ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu; vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt diễn ra bất thường; cạnh tranh chiến lược của các cường quốc; xung đột Nga - Ucraina chưa có hồi kết; vấn đề lạm phát ở nhiều quốc gia; giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu còn ở mức cao; sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn...

Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ...

IMG-5166

Ông Hoàng Quang Phòng cho rằng bối cảnh mới đã tạo ra những thách thức rất lớn với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp và với cả cơ quan quản lý nhà nước. Bởi sự tồn tại của doanh nghiệp gắn liền với sức mạnh kinh tế quốc gia, gắn liền với nguồn thu ngân sách nhà nước.

“Điều đó đang đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Do đó, theo ông Hồ Quang Phòng để hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh. Tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực từ các gói hỗ trợ của nhà nước. Cần có giải pháp kịp thời hỗ trợ một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ hiện đang đối mặt với khó khăn về thiếu hụt nhân lực.

Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo. Đẩy mạnh chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong khi đó, theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện nay cải cách thể chế là vấn đề quan trọng. Có 4 thách thức trong cắt giảm chi phí tuân thủ như chi phí từ quy định hiện hành, chi phí quy định mới sẽ ban hành, chi phí từ chính sách toàn cầu, chính sách quyết liệt của các quốc gia trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh.

“Cải cách thể chế ngày càng quan trọng và quan trọng hơn cả những biện pháp tài khóa và chính sách tiền tệ trong ngắn hạn”, ông Phan Đức Hiếu nêu rõ.

Vì vậy, ông Hiếu kiến nghị trong ngắn hạn, cần tập trung kiểm soát việc ban hành quy định mới làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, không ban hành nếu chưa cấp bách.

Nếu buộc phải ban hành cần tính đến khó khăn hiện nay của doanh nghiệp để có lộ trình áp dụng hợp lý, thời gian cần thiết để doanh nghiệp chuẩn bị tuân thủ. Chính phủ cũng cần có những hỗ trợ trước mắt cho doanh nghiệp như tiền, tài chính…

Về lâu dài cần, theo ông Phan Đức Hiếu cần có cơ chế thường xuyên, bền vững. Kinh nghiệm thế giới chỉ ra, nếu cải cách chỉ xuất phát đơn lẻ theo thời điểm từ chính cơ quan ban ngành ra thể chế là rất khó khăn và hiệu quả không cao.

Để thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, đầu tiên cần nâng cao chất lượng tư vấn, nhận thức cho doanh nghiệp để chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới.

Chính phủ cần mở rộng không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới trên tinh thần sớm nhất có thể, bền vững nhất có thể. Việt Nam cần các quy định, chính sách cụ thể hơn đối với kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm,… trong khi bản thân các mô hình này còn tương đối mới và thiếu khá nhiều thông tin, số liệu để thực hiện đánh giá tác động chính sách một cách bài bản.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực để tạo động lực cho người dân yên tâm bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp cần được thực hiện sớm, phát huy tác dụng sớm, bởi đối với doanh nghiệp cần tiếp cận vốn thì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết "Cần kiểm soát việc ra quy định mới làm tăng chi phí cho doanh nghiệp" tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan