Bảo vệ thương hiệu: Doanh nghiệp thiếu chủ động, trông chờ một chiều

18/07/2023, 10:59
báo nói -

TCDN - Lập doanh nghiệp trà trộn hàng giả nhập khẩu qua các cửa khẩu chính thức; lợi dụng thương mại điện tử để tiêu thụ hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; tự sản xuất hàng nhái, đăng ký bản quyền... là những vi phạm kiểu mới ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu.

5-1

Thương mại điện tử trở thành kênh bày bán hàng giả

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phức tạp và tinh vi. Nhất là những sản phẩm của các thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng thế giới và các thương hiệu của Việt Nam.

Với các thương hiệu của Việt Nam, hàng giả cũng được sản xuất trực tiếp ở trong thị trường nội địa rất nhiều. Sản phẩm bị làm giả đủ mọi chủng loại. Trước đây hàng giả xảy ra nhiều ở sản phẩm quần áo, mỹ phẩm, giày dép, nhưng bây giờ cả những mặt hàng rất tinh vi như thực phẩm chức năng, những sản phẩm rất đắt tiền như mặt kính của bếp từ (thương hiệu của Đức), những hãng kính của Ý… đều có sản phẩm bị làm giả ở thị trường nội địa.

Đáng quan ngại, trước đây hàng giả xuất xứ từ nguồn nhập lậu, thẩm lậu từ các nước có đường biên giới với Việt Nam và hàng giả được sản xuất ở ngay trong nước. Nhưng giờ đây, khi xu hướng mua sắm qua thương mại điện tử tăng lên, thì cũng là kênh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lợi dụng bày bán.

“6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan đến hàng giả và đã xử phạt gần 30 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đủ minh họa hết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay”, ông Linh thông tin, đồng thời nhấn mạnh: “Công tác ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thực sự không dễ dàng. Xử lý những vụ việc liên quan đến hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất phức tạp, nhất là những vụ việc liên quan đến bản quyền tác giả, sở hữu công nghiệp do liên quan đến mặt pháp lý”.

Theo ông Linh, đối tượng làm hàng giả rất tinh vi, họ nghiên cứu pháp luật để luồn lách cơ quan nhà nước, cơ quan thực thi. Không ít sản phẩm hàng giả giống hoặc gần giống hàng thật và cũng đăng ký bản quyền. Với những vụ việc đó, để xử lý những tranh chấp sẽ mất nhiều thời gian, thậm chí lực lượng còn bị các đối tượng kiện ngược lại.

Hơn nữa, bản thân doanh nghiệp, người tiêu dùng còn tâm lý e ngại, không phối hợp với các lực lượng chức năng, ngay cả các chủ thể quyền của các nhãn hiệu. Bởi họ vẫn có tâm lý sợ ảnh hưởng đến thương hiệu của mình.

Một vấn đề khác, mặc dù chế tài xử phạt hiện đã tương đối đầy đủ nhưng nội dung cụ thể còn chưa đủ sức răn đe những đối tượng sản xuất, bán hàng giả phải chùn bước, đặc biệt là việc xử lý hình sự.

Hợp tác “công - tư”

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng so với các nước, Việt Nam không thiếu văn bản pháp luật, từ Luật sở hữu công nghiệp, Luật thương mại hay các luật chuyên ngành khác quản lý các lĩnh vực từ dược phẩm, phân bón... Bên cạnh Luật bảo vệ người tiêu dùng, có cả các văn bản về xử phạt hành chính, Bộ luật hình sự đã có tất cả các chế định, chế tài. Nếu nhìn vào Luật hình sự, các hình phạt hình sự ở Việt Nam khá nặng so với các nước. Ví dụ như xâm phạm sở hữu công nghiệp có thể tù đến ba năm trong khi các nước khác chỉ một vài tháng.

Nếu kinh doanh buôn bán hàng giả, mức phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù, chưa nói các hình phạt bổ sung khác. “Như vậy, chúng ta có một hệ thống luật đã có trên thực tế, nhưng về cơ chế thực thi nếu chỉ trông cậy vào cơ quan nhà nước rất khó và không bao giờ chúng ta giải quyết được vấn đề”, ông Lập nói.

Nhìn ra các tập đoàn lớn của nước ngoài sở hữu các thương hiệu nổi tiếng cho thấy, doanh nghiệp hợp tác với cơ quan nhà nước, tức là tạo ra một cơ chế hợp tác “công - tư” (không phải đầu tư công - tư theo Luật Đầu tư) trong thực thi pháp luật để giải quyết những vấn đề thiết thực. Lợi ích này là lợi ích của cả nhà nước, người tiêu dùng và lợi ích doanh nghiệp nên cần có sự hợp tác song phương.

Trong khi, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tìm ra một cơ chế hợp tác. “Tôi không dám nói từ ỷ lại nhưng họ chỉ trông cậy một chiều, tức là khi có vụ việc thì khiếu nại đến các cơ quan chức năng, nhưng hợp tác ban đầu là khâu phòng ngừa và tìm ra những biện pháp hữu hiệu nhất giữa hai bên vô cùng quan trọng thì chưa có”, ông Lập nhìn nhận.

Theo vị Luật sư này, doanh nghiệp muốn bảo vệ thương hiệu thì chính doanh nghiệp phải chủ động chứ không phải đợi cơ quan chức năng vào cuộc. Người tiêu dùng muốn bảo vệ mình thì phải trông cậy vào các hiệp hội là những người đại diện cho mình, hoặc các luật sư. Tạo thành một cơ chế hợp tác đa bên giữa tất cả các bên để giải quyết vấn nạn chung - đây là con đường, cách thức.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thu Hiền - Đại diện Bộ phận pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam cho biết, để phòng ngừa các hành vi vi phạm, công ty tích cực triển khai các hoạt động hướng dẫn nhận diện thương hiệu cho các đại lý, các nhà phân phối và người tiêu dùng.

Đối với thương hiệu sản phẩm của mình, URC luôn có những thông báo, phổ biến đặc điểm phân biệt rõ ràng về thông tin bảng thành phần cũng như các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích người tiêu dùng kiểm tra các logo, nhãn sản phẩm cũng như tem sản phẩm.

URC cũng luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ. Khi phát hiện các hàng hóa của công ty có dấu hiệu bị làm giả, làm nhái, công ty chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng để xác định các hành vi này có đúng là vi phạm sở hữu trí tuệ hay không và từ đó đưa ra các phương hướng xử lý thích hợp.

Bên cạnh đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc phòng, chống hàng nhái, hàng giả, bà Bùi Thị Thu Hiền cũng đề nghị làm sao để đẩy nhanh được quá trình xử lý vi phạm, đồng thời có thể nâng cao mức hình phạt đối với chủ thể vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là những hành vi vi phạm nhiều lần để nhằm tăng tính răn đe cho đối tượng vi phạm.

Về vấn đề này, ông Trần Hữu Linh cho hay, bên cạnh tiếp tục triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại các địa bàn trọng điểm, các ổ nhóm, tụ điểm nổi cộm cụ thể, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tập trung phối hợp với tất cả các bộ, ngành liên quan cùng triển khai đồng bộ các hoạt động chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử.

Cùng với đó, ông Trần Hữu Linh cho rằng, tất cả các chủ thể, từ người sản xuất, người bán cho đến người tiêu dùng mua hàng đều phải có trách nhiệm trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, do vậy phải ưu tiên công tác phòng ngừa mang tính chiều sâu.

Để phòng ngừa, lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai nhiều biện pháp tác động đến cả người sản xuất, người kinh doanh cũng như người mua hàng như: tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện truyền thông theo mục tiêu "mưa dầm thấm lâu" để dần thay đổi tâm lý, thói quen thỏa hiệp sử dụng hàng giả, hàng vi phạm của một bộ phận người tiêu dùng; tổ chức các tuần lễ trưng bày hàng thật - hàng giả để cung cấp cho người tiêu dùng những dấu hiệu nhận biết hàng giả…

"Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý e ngại, khi biết trên thị trường có sản phẩm của mình bị làm giả sẽ ngại ảnh hưởng đến thương hiệu nên tránh né, dẫn đến người tiêu dùng biết thương hiệu sản phẩm có hàng giả nên có thể không mua nữa", ông Trần Hữu Linh chia sẻ và khuyến nghị, tốt nhất doanh nghiệp cần chủ động phối hợp trực tiếp với các lực lượng chức năng, lực lượng thực thi như Quản lý thị trường để cung cấp thông tin hàng giả, phối hợp kiểm tra, xử phạt, xử lý ngay.

Thanh Hòa

Tạp chí in số tháng 7/2023
Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ thương hiệu: Doanh nghiệp thiếu chủ động, trông chờ một chiều tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan