Bộ trưởng Bộ Tài chính: Doanh nghiệp có năng lực tốt sẽ thanh toán được nợ ngân hàng, trái phiếu
TCDN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thị trường chứng khoán, trái phiếu, tín dụng ngân hàng có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Nền kinh tế phục hồi tốt, doanh nghiệp có năng lực tốt sẽ thanh toán được nợ ngân hàng, trái phiếu.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực tế 6 tháng qua cho thấy tình hình kinh tế xã hội trong nước có những diễn biến kém thuận lợi.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn; thị trường bị thu hẹp; đơn hàng sụt giảm đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc; tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở mức lớn; lãi suất có xu hướng giảm nhưng việc tiếp cận vốn tín dụng vẫn rất khó khăn, chi phí vốn tiếp tục tăng cao; thị trường bất động sản trầm lắng, khó khăn pháp lý các dự án chưa được giải quyết triệt để; giải ngân vốn đầu tư thấp, không đồng đều.
Các yếu tố nói trên khiến tăng trưởng kinh tế 6 tháng 2023 thấp hơn dự kiến, chỉ đạt 3,72%; kim ngạch xuất nhập khẩu cũng giảm khoảng 15,2% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm 2023, ngành Tài chính đã nỗ lực điều hành chính sách tài khóa, phối hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; nợ công giảm, cân đối thu chi được đảm bảo nhưng vẫn tạo mọi điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách miễn giảm, giãn hoãn một số loại thuế phí với tổng quy mô lên tới gần 200 nghìn tỷ đồng. Trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ tích cực cho người dân, doanh nghiệp như giảm 50% thuế bảo vệ môi trường; giảm 36 khoản phí, lệ phí; giảm 50% phí trước bạ đối với xe ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước; giảm 2% thuế GTGT…
Công tác quản lý nợ công tiếp tục thực hiện chặt chẽ, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn Quốc hội đề ra, nợ công giảm từ 44% xuống còn 38%, nợ Chính phủ còn 34%.
Về lĩnh vực thuế, theo Bộ trưởng, thời gian qua, ngành Thuế đã tập trung đẩy mạnh kỷ cương, kỷ luật tài chính, chống thất thu thuế, chống gian lận buôn lậu thương mại. Tuy nhiên, qua theo dõi trên hệ thống hóa đơn điện tử, cơ quan thuế đã phát hiện một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách thông thoáng của nhà nước, gây rủi ro trong hoàn thuế GTGT. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm về vấn đề này và cùng vào cuộc với Bộ Tài chính.
Song song với đó, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, đưa ra giải pháp về công nghệ thông tin, dùng trí tuệ nhân tạo đối chiếu dữ liệu, phát hiện sớm rủi ro trong hoàn thuế; ngoài ra, phân công, phân nhiệm cho các cán bộ thuế phụ trách trực tiếp từng đơn vị, khi có dấu hiệu vi phạm thì tổ chức thanh tra, kiểm tra kịp thời.
Về thị trường vốn, Bộ trưởng cho rằng, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sau một thời gian có nhiều biến động đã từng bước ổn định, tính công khai, minh bạch ngày càng được quan tâm. “Tuy nhiên, thị trường chứng khoán, trái phiếu, tín dụng ngân hàng có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Nền kinh tế phục hồi tốt, doanh nghiệp có năng lực tốt sẽ thanh toán được nợ ngân hàng, trái phiếu. Do đó, cần tập trung thúc đẩy tăng năng lực cho doanh nghiệp, từ đó mới giải quyết được vướng mắc cho các thị trường này”, Bộ trưởng lưu ý.
Cũng theo Bộ trưởng, thị trường bất động sản, đầu tư công hiện đang ngưng đọng vốn lớn nhất. Thực tế cho thấy đầu tư tư nhân cũng như chi chi tiêu của Chính phủ thông qua đầu tư công kém, cần có giải pháp tháo gỡ nút thắt này mới thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế.
Dự báo tình hình kinh tế chính trị thế giới trong nửa cuối năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đồng tình với quan điểm điều hành của Chính phủ, quyết tâm chủ động có giải pháp thực hiện sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Về định hướng điều hành tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị tập trung tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước; tập trung triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục tăng cường kỷ cương kỷ luật tài chính, thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực quan trọng để chống thất thu, ổn định sự phát triển thị trường tài chính, chứng khoán;...
Phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ dự toán thu ngân sách nhà nước để góp phần hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 (6,5%) đã đề ra.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899