Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nhà nước phải quy định giá nhà ở xã hội

05/06/2023, 16:07
báo nói -

TCDN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, nhà ở xã hội do nhà nước đầu tư hay do doanh nghiệp đầu tư thì nhà nước phải quy định giá bán để bán, cho thuê đúng đối tượng.

Sáng 5/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, nhà ở xã hội có 2 loại do nhà nước đầu tư và từ nguồn vốn xã hội hóa, tức do doanh nghiệp đầu tư. Nếu nhà ở xã hội do nhà nước đầu tư thì dự thảo quy định rõ UBND tỉnh có thẩm quyền giao chủ đầu tư thực hiện và “là người quy định giá bán và giá thuê”.

Bộ trưởng chia sẻ, đất nhà ở xã hội không thu tiền, đương nhiên khi nhà nước làm thì quy định giá bán cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội. Với nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư, dự thảo luật chưa quy định giá bán là ai duyệt. Do đó, Bộ trưởng cho rằng, đã là nhà ở xã hội thì nhà nước phải duyệt giá.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Đối với doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, người đứng đầu ngành Tài chính cho rằng, với trường hợp này đất là nhà nước giao đất sạch, không thu tiền sử dụng đất, thì nhà nước phải khống chế mức bán tối đa. Có như vậy, nhà ở xã hội mới bán, cho thuê đúng đối tượng. Còn nếu không khống chế giá bán tối đa, sẽ rơi vào “kênh” nhà ở thương mại.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Nhà nước phải quyết giá nhà ở xã hội. Với nhà ở xã hội, nhà nước đầu tư thì bán đúng giá, còn doanh nghiệp đầu tư thì phải quy định giá tối đa. Khi có giá bán tối đa, nếu doanh nghiệp tiết kiệm hơn thì sẽ có lời”.

Liên quan đến phí bảo trì và quản lý nhà ở xã hội, Bộ trưởng cho rằng phải giao cho UBND tỉnh ban hành, chứ không mỗi khu chung cư lại đặt ra một mức phí. Nhà ở xã hội trước đây quy định không quá 5 tầng nên chỉ đi cầu thang bộ, nhưng giờ phải đi thang máy và các hạ tầng hiện đại hơn, đòi hỏi bộ máy quản lý phải chuyên nghiệp.

“Muốn chuyên nghiệp thì phải có kinh phí bảo trì. Mà kinh phí bảo trì do người lao động, những đối tượng sử dụng nhà ở xã hội trả. Đây là những đối tượng nghèo, yếu thế, cho nên phải duyệt giá, phí, chứ không thể để chủ đầu tư tự nâng lên thế nào cũng được", Bộ trưởng nói.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, theo khoản 1 Điều 22 của Hiến pháp, một trong những quyền rất quan trọng của công dân là công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Việc ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi) phải tạo lập được cho công dân có chỗ ở hợp pháp, đảm bảo thực hiện quyền của công dân như đã quy định. Tuy nhiên, về tổng thể, Luật Nhà ở mới đang tập trung chủ yếu vào sở hữu nhà ở, xử lý những vấn đề liên quan đến nhà chung cư cũ, nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Liên quan đến nhà ở kết hợp với mục đích thương mại, đại biểu phản ánh, hiện nay trong dự thảo luật chưa tách bạch được mục đích thương mại với mục đích ở. Khi Nhà nước giao đất cho chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở thương mại, luôn có sự kết hợp giữa mục đích ở và các mục đích khác, khiến giá nhà ở bị đẩy lên cao. Đại biểu cho rằng cần có sự phân biệt, tách bạch rõ ràng về mục đích sử dụng đất để có những quy định phù hợp với thực tiễn.

Về xác định giá bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội không do nhà nước đầu tư xây dựng, đại biểu cơ bản tán thành với quy định tại Điều 84 trong dự thảo luật, theo đó, các chi phí được tính đủ vào giá bán để thu hồi vốn đầu tư của doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu làm rõ “các chi phí hợp lý khác” được tính vào giá bán hoặc quy định các nguyên tắc, điều kiện để chi phí có thể coi là hợp lý khi tính vào giá bán.

Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, chính sách nhà ở xã hội của Singapore là một ví dụ thành công về mô hình nhà ở xã hội; đảm bảo cả xã hội được hưởng quyền lợi về nhà ở và khoảng 85% dân số của Singapore sống trong nhà ở công. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải có những quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn trong chính sách nhà ở xã hội để dễ dàng thực thi trong thực tế, nhất là về quy trình, trình tự thủ tục đầu tư, phân phối, cũng như các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật nhà ở xã hội.

Về tài chính cho phát triển nhà ở, nữ đại biểu đoàn Điện Biên đánh giá, so với Luật Nhà ở hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi lần này có một số điểm mới, quy định về các nguồn vốn, nguyên tắc huy động, sử dụng nguồn vốn cho phát triển nhà ở, vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển nhà ở xã hội.

Đại biểu đồng tình với quy định nhiều cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo pháp luật về thuế; được hưởng lợi nhuận định mức;vay vốn ưu đãi…

Bên cạnh đó, đại biểu cũng ủng hộ ghi vào luật tăng quyền chủ động cho địa phương trong hỗ trợ tài chính cho nhà ở xã hội. Bởi vì chỉ khi đó đối tượng của nhà ở xã hội mới có thể tiếp cận, hay lựa chọn được nhà ở với diện tích hợp lý, chất lượng xây dựng với giá cả phải chăng.

Minh Sơn (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nhà nước phải quy định giá nhà ở xã hội tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan