DATC - Hành trình mang sứ mệnh “bà đỡ”
TCDN - Đây là chủ đề Chương trình Đối thoại 2023 của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) tổ chức ngày 5/6/2023. Chương trình nhằm khắc họa chân dung của những người DATC với nhiệm vụ làm lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp và hỗ trợ quá trình cổ phần hóa, sắp xếp, tái cơ cấu DNNN.
Tham dự chương trình có ông Lê Hoàng Hải – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên; ông Phạm Mạnh Thường – Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc và các thành viên Hội đồng thành viên.
Các khách mời làm diễn giả gồm: ông Phạm Đình Soạn – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Phạm Phan Quang – nguyên Tổng Giám đốc, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Phạm Thanh Quang – nguyên Tổng Giám đốc; bà Nguyễn Thị Luyện – nguyên Trưởng phòng Tiếp nhận xử lý nợ và tài sản.
Phát biểu tại chương trình, ông Phạm Mạnh Thường – Tổng Giám đốc DATC cho biết, 20 năm trước, ngày 5/6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 109 đánh dấu sự ra đời và trưởng thành của DATC.
20 năm trôi qua, từ một công ty mới thành lập với nhiệm vụ xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng nhằm hỗ trợ và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đến nay, DATC đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, khẳng định vị thế đi đầu trong hoạt động mua bán nợ, là công cụ hữu hiệu của Chính phủ; góp phần tạo lập và định hình thị trường mua bán nợ cho nền kinh tế, đã hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp xử lý nợ đọng để phục hồi và phát triển, giải quyết việc làm cho người lao động và tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Ông Phạm Đình Soạn – Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị của DATC cho biết, việc thành lập DATC đồng thời cũng nhằm triển khai thực hiện những nội dung quan trọng của quá trình đổi mới nền kinh tế nói chung và đổi mới quản lý các DNNN, quan hệ giữa nhà nước với doanh nghiệp nói riêng. Cụ thể là từng bước xóa bỏ sự can thiệp sâu của các cơ quan quản lý Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có việc xử lý các khoản nợ xấu bằng các quyết định xóa nợ, giảm giãn nợ, khoanh nợ...
Mặt khác, thực tế lúc đó cho thấy tình hình nợ xấu của các DNNN đang ngày càng tăng, việc chỉ xử lý nợ thông qua các quyết định hành chính trở lên phức tạp và không đáp ứng được yêu cầu. Xuất phát từ tình hình trên, Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính đã xây dựng Đề án thành lập một công ty mua bán nợ trực thuộc Bộ Tài chính vào năm 2000 và được Bộ chấp thuận trình Chính phủ. Đến tháng 6/2003, Đề án được Chính phủ thông qua và DATC chính thức được ra đời.
Việc thành lập DATC mang ý nghĩa lớn, công ty trở thành một công cụ quan trọng của nhà nước trong mua, bán xử lý nợ phù hợp với xu hướng kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập kinh tế thế giới. Mặt khác, sự ra đời của DATC còn góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp và hỗ trợ quá trình cổ phần hóa, sắp xếp, tái cơ cấu DNNN.
Ông Phạm Thanh Quang – Nguyên Tổng giám đốc DATC cho rằng, hoạt động mua bán, xử lý nợ tồn đọng được DATC thực hiện trong thời gian qua không những đảm bảo tốt mục tiêu “Góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi DNNN”, mà còn có thêm những đóng góp tích cực đối với một số chương trình kinh tế - xã hội lớn của Đảng và Chính phủ như cải cách sắp xếp DNNN; nông nghiệp, nông dân và nông thôn; phát triển kinh tế - xã hội các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Cụ thể như: hoạt động mua bán nợ đã giúp các ngân hàng thương mại nhà nước xử lý nhanh một khối lượng lớn nợ tồn đọng, góp phần cải thiện và nâng cao năng lực tài chính để chuẩn bị cho công tác cổ phần hóa, tăng cường tính an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng trong quá trình cải cách và hội nhập; hoạt động mua nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp đã có những đóng góp tích cực trong việc củng cố, sắp xếp lại và chuyển đổi sở hữu DNNN, đặc biệt các DNNN thua lỗ không còn vốn, không đủ điều kiện cổ phần hóa, giúp các doanh nghiệp tránh bị phá sản, xử lý được cơ bản các tồn tại tài chính, cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh để tiếp tục tồn tại và phát triển có hiệu quả hơn; hoạt động mua nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp cũng góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, ổn định chính trị ở một số địa phương, vùng, miền trong nền kinh tế, nhất là góp phần giải quyết công ăn việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động.
Chia sẻ về những định hướng của DATC trong thời gian tới, ông Lê Hoàng Hải - Chủ tịch Hội đồng thành viên cho biết, DATC được thành lập để đẩy nhanh quá trình tiếp nhận để xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ để các doanh nghiệp cổ phần hóa tập trung hơn, nhanh hơn trong quá trình chuyển đổi, đồng thời DATC là công cụ xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.
Theo đề án phát triển DATC, đến năm 2030 Chính phủ vẫn giữ DATC là tổ chức 100% vốn nhà nước, hay nói cách khác DATC vẫn là công cụ của Chính phủ trong quá trình thúc đẩy tái cơ cấu DNNN và xử lý nợ xấu của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường mua bán nợ phát triển, trong khi số lượng DNNN chuyển đổi không còn nhiều. Do vậy, DATC phải tự điều chỉnh mình, phải tham gia đấu giá, đưa ra các hình thức mua bán, xử lý nợ phong phú hơn.
Thêm nữa, tác động của dịch covid 19, doanh nghiệp ngày càng khó khăn, nhất là ngành du lịch, bất động sản, vật liệu xây dựng… chịu ảnh hưởng nặng nề. DATC phải có chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.
“Quan điểm trước đây là quay vòng vốn càng nhanh càng tốt để tiếp tục phục vụ doanh nghiệp, nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn như hiện nay, việc phục hồi doanh nghiệp thực sự khó khăn, các chính sách hỗ trợ của DATC về tài chính, tiếp cận các nguồn tài chính là giải pháp quan trọng. DATC cần có những điều chỉnh để vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa đảm bảo an toàn cho nền kinh tế, có sự chia sẻ lợi ích” – ông Lê Hoàng Hải nhấn mạnh.
Trao đổi về giá trị cốt lõi điều hướng hoạt động của DATC trong bối cảnh mới, ông Phạm Mạnh Thường - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc DATC cho hay, để tạo dựng thành công trong những năm tháng qua và tiếp tục có thể thành công trong thời kỳ mới, giá trị cốt lõi của DATC được đúc kết thành slogan “khi bạn khó, có DATC”, sứ mệnh và giá trị cốt lõi hòa quện với nhau. Bản thân giá trị cốt lõi là phương tiện, công cụ để DATC thực hiện sứ mệnh. Bài học kinh nghiệm từ các cá nhân, tổ chức là muốn thành công phải cần đảm bảo ba nguyên tắc: nhận thức đúng, thái độ đúng, hành động đúng.
“Giá trị cốt lõi của DATC được thành lập qua thời gian và được hệ thống hóa lại thành 3 cặp thành tố: thấu hiểu - chia sẻ; dấn thân- trách nhiệm; hợp tác - chuyên nghiệp” - ông Phạm Mạnh Thường chia sẻ.
Theo ông Thường, hiện nay, bối cảnh thay đổi, DATC đối diện nhiều cơ hội những cũng nhiều thách thức. Do đó, Công ty phải điều hướng hoạt động trong bối cảnh mới với vai trò "bà đỡ" giúp doanh nghiệp vượt khó khăn, phục hồi, đóng góp cho xã hội. Vì vậy, cần có sự thấu hiểu, dấn thân, chuyên nghiệp trong hành động.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899