3 Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện còn chậm

13/10/2023, 19:17
báo nói -

TCDN - Chính phủ thừa nhận việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2023 còn chậm và đề xuất có thêm những cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Sáng 13/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2023.

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường kỳ của Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Tại các Nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ luôn đặt ra yêu cầu cao nhất, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân vốn của 03 chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang.

Các địa phương đã chủ động ban hành các nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình với quyết tâm chính trị cao nhất phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ; đồng thời, đã hoàn thành việc kiện toàn, thành lập 01 Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện, Ban Quản lý cấp xã, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Ban phát triển thôn để phân công, phân cấp, thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong triển khai thực hiện các chương trình tại các cấp…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn như công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn chương trình tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Công tác nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đặc điểm tự nhiên, xã hội, văn hóa, rà soát mặt bằng pháp lý trong xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chưa được tiến hành đồng bộ, kỹ lưỡng ngay từ trước khi ban hành chính sách, quy định, dẫn đến tình trạng còn có một số chính sách của chương trình mục tiêu quốc gia không phù hợp với thực tiễn hoặc thiếu cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh.

Bên cạnh đó, tiến độ phân bổ, sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 tại cả trung ương và các cấp tại địa phương còn chậm; công tác xây dựng kế hoạch, nhiều địa phương chưa chủ động chuẩn bị tốt việc xác định nhu cầu danh mục, nguồn lực đầu tư dự án các cấp ngay từ đầu giai đoạn, đầu năm kế hoạch, có tâm lý đợi có vốn mới triển khai thực hiện...

Chính phủ kiến nghị có thêm những cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Là người trực tiếp chỉ huy triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thừa nhận việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia luôn luôn chậm là vấn đề trăn trở. Về vấn đề chuyển nguồn, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ đề xuất với Quốc hội chuyển nguồn của năm 2023 sang năm 2024. Qua đó, Chính phủ đã đề nghị các địa phương bằng mọi giá sẽ giải ngân hết nguồn vốn năm 2023 và các địa phương đã cam kết điều này.

Về cơ chế thí điểm, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội tính toán theo hương cho cơ chế hoặc nguyên tắc, Chính phủ sẽ nghiên cứu một cách thấu đáo, cụ thể để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào thời điểm thích hợp, với nguyên tắc chỉ thí điểm cho đến hết năm 2025, giai đoạn sau chúng ta sẽ thực hiện tư duy mới, cách làm mới, quy định mới.

Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 156 hướng dẫn Luật Lâm nghiệp và trình Quốc hội sửa Luật Lâm nghiệp vì hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, với nguyên tắc là làm sao để người giữ rừng có thể sống được từ rừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, chúng ta có nhiều giá trị lớn để khai thác từ rừng. Và việc đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Lâm nghiệp nhằm giải quyết được những vướng mắc trước đây.

Không chỉ vướng mắc về tỷ lệ giải ngân, Phó thủ tướng còn quan tâm đến chất lượng các dự án mà chúng ta đầu tư phải tốt, qua đó mong muốn các đại biểu quốc hội cùng đồng hành với Chính phủ có thể giải quyết tốt vấn đề này.

Cho rằng không chỉ vướng luật, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, hiện nay còn vướng cả những quy định, nghị định và thông tư, đồng thời hy vọng nếu vốn sự nghiệp được tháo gỡ thì cơ bản hành lang pháp ly được tạo điều kiện thuận lợi và việc hướng dẫn triển khai được thực hiện tốt hơn. Phó thủ tướng hy vọng Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ để ban hành Nghị quyết giám sát để tháo gỡ vướng mắc việc thực hiện các Chương trình này.

Hà Linh
Bạn đang đọc bài viết 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện còn chậm tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan