3 phương án về chuyển nhượng đất trồng lúa trong Luật Đất đai sửa đổi
TCDN - Một nội dung được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến là quy định về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45).
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 3/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Một nội dung được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên họp là quy định về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết về nội dung cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, nhiều ý kiến đề nghị đối với đất trồng lúa thì cá nhân phải thành lập tổ chức kèm theo phương án sử dụng đất tích tụ để báo cáo UBND tỉnh phê duyệt, không được gom đất để chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm bảo đảm địa phương có thể giữ đất lúa vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Về nội dung này, dự thảo Luật thiết kế 3 phương án liên quan đến điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa như sau:
Phương án 1: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa trong mọi trường hợp.
Phương án 2: Không giới hạn về điều kiện. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 589/BC-CP.
Phương án 3: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại khoản 1 Điều 177.
Bày tỏ quan điểm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hữu Chính tán thành với phương án 1, theo đó quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa (trừ trường hợp tặng cho cho người thuộc hàng thừa kế) thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại khoản 6 Điều này.
Đại biểu cho rằng quy định theo hướng này sẽ bảo đảm cho công tác quản lý đất trồng lúa nghiêm ngặt, chặt chẽ, tránh trường hợp cá nhân trục lợi, thu gom đất trồng lúa nhằm tích trữ, đầu cơ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, cả nước nói chung.
Bên cạnh đó để đáp ứng điều kiện nhận chuyển nhượng, cá nhân không trực tiếp sản xuất phải có phương án sử dụng đất và lên kế hoạch sử dụng đất trồng lúa là phù hợp với điều kiện hiện nay, tránh tình trạng không quản lý được quỹ đất.
Tranh luận với đại biểu Nguyễn Hữu Chính, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) cho rằng quy định như phương án 1 và phương án 3 không đảm bảo quyền bình đẳng của công dân trong tiếp cận nguồn đất đai.
Theo đại biểu, trên thực tế, nhiều trường hợp không sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn có nhu cầu sử dụng đất trồng lúa, như trường hợp mua đất trồng lúa để sản xuất lúa cho tiêu dùng gia đình. Do đó, đại biểu cho rằng không nên hạn chế quyền này.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) lại bày tỏ tán thành với phương án 3 với lý do việc không giới hạn về điều kiện sẽ rất khó quản lý, dễ phát sinh những vấn đề không mong muốn.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn TP Đà Nẵng) nhấn mạnh Luật Đất đai là luật rất quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Đại biểu đề nghị cần khẳng định hiệu lực pháp lý cao hơn của Luật Đất đai và xem xét bổ sung một điều về áp dụng pháp luật như bản dự thảo lấy ý kiến nhân dân.
Dẫn báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật cho thấy lĩnh vực đất đai có 61 nội dung bất cập, vướng mắc, đại biểu cho rằng việc bổ sung thêm điều áp dụng pháp luật tại Luật Đất đai chính là giải pháp để giải quyết các xung đột pháp luật, vướng mắc trong quản lý sử dụng đất đai do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn.
Kỳ họp lần này dự kiến thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Đại biểu cho rằng cần rà soát để đảm bảo không mâu thuẫn, xung đột.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899