6 tháng đầu năm: 19 doanh nghiệp được cổ phần hóa

29/06/2017, 04:39

TCDN - Tình hình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong 6 tháng đầu năm chưa đạt tiến độ đề ra, so với năm trước bị chậm hơn.

Kết quả hình ảnh cho cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Ảnh minh họa/Nguồn Internet

Đây là thông tin được ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính đưa ra trong buổi họp báo chuyên đề về “Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp” do Bộ Tài chính tổ chức chiều 29/6.

“Việc chậm cổ phần hóa là theo nghĩa các dự án đã đăng ký cổ phần hóa theo tiến độ nhưng bị chậm. Như hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang chậm cần đẩy nhanh tiến độ, Tập đoàn Cao su Việt Nam hứa IPO trong năm 2017 hay Tổng công ty Lương thực Miền Nam sẽ IPO trong năm trước nhưng kéo dài đến năm nay" - ông Tiến nói.

Nguyên nhân việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn vẫn bị chậm hiện nay là do một số lãnh đạo DNNN vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Mặt khác, tới đây đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành ngề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, mặc dù thị trường chứng khoán đã phục hồi xong vẫn chưa thực sự thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần DNNN khi thực hiện cổ phần hóa.

Ông Tiến cho biết thêm, nhằm ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/215/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đã bổ sung quy định về trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước trong việc thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào ngân sách nhà nước.

Theo đó, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước phải báo cáo xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu và sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu đã thống nhất với Bộ Tài chính việc phân chia phần lợi nhuận còn lại để tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên.

Đồng thời, Dự thảo Nghị định cũng bổ sung một số nguyên tắc về chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN tại doanh nghiệp khác; sửa đổi, bổ sung quy định về xác định giá khởi điểm khi thực hiện quyền chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại doanh nghiệp khác; sửa đổi, bổ sung quy định về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước/vốn của DNNN đầu tư tại doanh nghiệp khác; bổ sung quy định về xử lý chi phí chuyển nhượng khi không bán được.

PV
Bạn đang đọc bài viết 6 tháng đầu năm: 19 doanh nghiệp được cổ phần hóa tại chuyên mục Cố phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận