ACV liệu có đủ sức “gánh” sân bay Long Thành?
TCDN - Việc thu xếp, bố trí 58.000 tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD) vốn vay trong nước để đầu tư cho một dự án bất kỳ nào ở Việt Nam là bài toán khó do quy mô thị trường vốn quá nhỏ.
Ngoài 22 cảng hàng không đang được giao quản lý, mới đây Chính phủ xin ý kiến Quộc hội về việc chỉ định thầu cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư sân bay Long Thành để rút ngắn được thời gian đầu tư 1 năm và sẽ có thể khởi công vào năm 2021.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến quan ngại rằng, việc giao một dự án trọng điểm lớn của quốc gia cho một doanh nghiệp có năng lực tài chính “thường thường bậc trung” như ACV liệu có là một tính toán mạo hiểm?
Sẽ phải vay gần 60.000 tỷ
Dự án sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư kiến nghị 111.689 tỉ đồng (4,779 tỉ USD). Liệu với năng lực tài chính của mình ACV có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư, hoàn thành dự án?
Theo BCTC 6 tháng đầu năm 2019 của ACV, tổng cộng ACV có khoảng 29.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Tuy nhiên, ACV có dư nợ vay 15.516 tỷ đồng, gồm 203 tỷ đồng vay ngắn hạn và 15.313 tỷ đồng vay dài hạn. 15.313 tỷ đồng là các khoản ACV vay Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản, nguồn vốn ODA, gồm 01 khoản vay cho dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Tân Sơn Nhất và 03 khoản vay cho dự án nhà ga T2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Giả định ACV sử dụng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng để trả nợ hết toàn bộ nợ vay ngắn hạn và dài hạn, ACV sẽ còn khoảng 13.577 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.
6 tháng đầu năm 2019, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của ACV dương 5.300 tỷ đồng và tính trung bình 1 năm khoảng 8.000 – 10.000 tỷ đồng/năm. Như vậy, giai đoạn 2020-2025 ACV sẽ có thể có thể có 40.000 – 50.000 tỷ đồng dòng tiền từ hoạt động SXKD. Giả sử dòng tiền thu từ tiền gửi, cổ tức sẽ đủ để ACV chi mua sắm, xây dựng tài sản cố định.
Như vậy, ACV có thể bố trí dòng tiền từ 53.000 – 63.000 tỷ đồng để đầu tư cho dự án Sân bay Long Thành và sẽ phải đi vay 48.000 – 58.000 tỷ đồng, tương đương tổng tài sản hiện tại của ACV. Với mức vốn chủ sở hữu hiện tại của ACV là 32.207 tỷ đồng, trường hợp vay nợ như kịch bản nêu trên, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của ACV sẽ tăng lên mức 1,8 lần đến 2,1 lần vào năm 2025.
Hai rủi ro đối với ACV
Với kịch bản nêu trên, ACV hoàn toàn có đủ năng lực tài chính hiện tại để thực hiện đầu tư sân bay Long Thành. Tuy nhiên, có hai rủi ro rất lớn với ACV trong trường hợp thực hiện đầu tư.
Thứ nhất, đội vốn đầu tư. Các dự án đầu tư công đội vốn gấp 2 – 3 lần là chuyện thường thấy ở Việt Nam. Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nêu ra nhiều nguyên nhân do: chất lượng việc lập, thẩm định dự án đầu tư kém, lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa sát với thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung với thiết kế cơ bản ban đầu... Nếu tình trạng này tiếp tục lặp lại tại dự án sân bay Long Thành và tổng mức đầu tư đội vốn lên gấp đôi lên khoảng 220.000 tỷ đồng. Với kịch bản này, ACV sẽ phải gánh thêm 111.000 tỷ đồng nợ vay và hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của ACV có thể tăng lên mức 5,6 lần.
Thứ hai, chi phí vốn vay. Việc thu xếp, bố trí 58.000 tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD) vốn vay trong nước để đầu tư cho một dự án bất kỳ nào ở Việt Nam là bài toán khó do quy mô thị trường vốn quá nhỏ, trên thực tế gần như là không khả thi. Các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam như Vingroup những năm qua đều hướng tới thị trường vốn quốc tế để huy động được nguồn vốn đầu tư quy mô hàng tỷ USD cho các dự án.
ACV chắc chắn cũng sẽ phải huy động một phần trong nước và một phần trên thị trường quốc tế. Giả định ACV được các chủ nợ đánh giá tín nhiệm như Vingroup thì nếu vay trong nước, lãi suất cố định sẽ ở mức 9%/năm. Nếu vay nước ngoài, hiện khoảng 2,75%/năm, bằng lãi suất ở mức Libor 6 tháng + biên độ 0,75%/năm. Vay nước ngoài lãi suất thấp hơn trong nước tuy nhiên sẽ phải chịu thêm rủi ro biến động tỷ giá USD.
Không rõ cơ cấu vay nợ trong nước/ngoài nước ACV sẽ thực hiện khi triển khai dự án do đó không có cơ sở để tính toán chính xác chi phí vốn vay cho dự án của ACV. Mặt khác, nếu ACV được Chính phủ cấp bảo lãnh khi vay vốn nước ngoài thì lãi suất sẽ thấp hơn nếu ACV tự đi huy động vốn.
Tuy nhiên, nếu giả định toàn bộ 58.000 tỷ đồng ACV vay trong nước với lãi suất cố định thì năm 2026, ACV sẽ phải gánh thêm chi phí tài chính khoảng 5.200 tỷ đồng/năm. Chi phí khấu hao của dự án cũng sẽ rơi vào khoảng 5.000 tỷ đồng/năm. Với mức lợi nhuận trước thuế khoảng 8.000 tỷ đồng/năm như hiện nay.
Trong trường hợp tích cực nhất, theo đúng kịch bản khi đầu tư sân bay Long Thành, ACV sẽ phải lỗ kế hoạch một số năm sau khi thực hiện đầu tư cho đến khi dự án mới được vận hành đủ công suất và có thể tự trang trải được các chi phí: khấu hao, lãi vay, vận hành… của dự án.
Tuy nhiên, nếu kịch bản đội vốn đầu tư lên gấp đôi xảy ra, chắc chắn ACV sẽ mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Việc đội vốn gấp đôi có thể làm chi phí khấu hao của dự án tăng lên 2 lần và chi phí vốn vay của ACV tăng lên gấp 3 lần. Trong kịch bản này, rất có thể ACV sẽ cần Chính phủ “giải cứu” bằng cơ chế chính sách hỗ trợ hoặc trả nợ thay nếu Chính phủ thực hiện cấp bảo lãnh vay vốn cho ACV.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899