Xây dựng sân bay Long Thành: Lo khả năng huy động vốn của ACV
TCDN - Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lo ngại việc giao cho Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm sân bay Long Thành có thể làm tăng nợ công và bản thân doanh nghiệp này sẽ khó xoay sở được nguồn vốn.
Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1 trước Quốc hội (QH) chiều 24/10, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đã đồng ý để ACV là đơn vị chủ lực đầu tư, khai thác sân bay Long Thành.
Song việc này, vẫn phải xin ý kiến của QH, và nếu được QH nhất trí chỉ định thầu cho ACV, sẽ bớt được khâu đấu thầu, rút ngắn được thời gian đầu tư 1 năm, có thể khởi công vào năm 2021, thay vì 2022 hoặc 2023, như kế hoạch ban đầu.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự án Cảng HKQT Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), cách TP.HCM khoảng 40 km về hướng Đông, được QH thông qua chủ trương năm 2015. Sân bay Long Thành sẽ được xây dựng với công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Dự án có tổng mức đầu tư kiến nghị 111.689 tỉ đồng (4,779 tỉ USD) này đã tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách, lựa chọn tư vấn và lập báo cáo nghiên cứu khả thi…
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được giao đầu tư các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước giao, công trình thiết yếu của hàng không, trong đó ACV cần huy động số vốn 4,194 tỉ USD.
Hiện tại, ACV đã tích lũy tiền mặt là 25.268 tỉ đồng và giai đoạn 2019 - 2015 dự kiến tích lũy được 12.339 tỉ đồng, do vậy sẽ bố trí được 36.607 tỉ đồng, tương đương 1,566 tỉ USD, và số còn lại 2,628 tỉ USD sẽ đi vay.
Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra tờ trình của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng đến nay hội đồng thẩm định chưa có báo cáo đầy đủ, chưa làm rõ một số nội dung như tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội và tài chính, công nghệ chính, quản lý vận hành, khai thác và đào tạo nguồn nhân lực, cơ chế chính sách đặc thù…
Đối với tổng mức đầu tư, Ủy ban Kinh tế cho rằng nhiều hạng mục tính toán mới dừng ở mức thiết kế sơ bộ có thể dẫn đến tăng tổng mức đầu tư khi chuẩn xác hóa. Do đó, đề nghị rà soát để tránh gây biến động lớn tổng mức đầu tư.
Với các hạng mục được giao cho ACV (và VATM - Tổng công ty quản lý bay), Ủy ban Kinh tế bày tỏ lo ngại về phương án huy động vốn, khi báo cáo nghiên cứu khả thi chưa có đánh giá tác động cụ thể của từng loại nguồn vốn mà mới tập trung vào phương án sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, trong khi ACV phải đi vay 2,628 tỉ USD.
“Cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc đối tượng được bảo lãnh Chính phủ; nếu được Chính phủ bảo lãnh thì khoản vay này sẽ được tính vào nợ công. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo thêm có khả năng cấp bảo lãnh đối với khoản vay này để có cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tác động đến nợ công” - báo cáo thẩm tra nêu.
Đồng thời, báo cáo cũng cho rằng cần cân nhắc về khả năng huy động vốn của ACV vì phải đồng thời thực hiện đầu tư mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng như các cảng hàng không khác trên cả nước.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899