Thoái vốn nhà nước tại ACV: “Siêu ủy ban” nói chưa phù hợp

15/10/2019, 09:59

TCDN - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa than khó thực hiện thoái vốn do một số quy định pháp luật chưa rõ. Với trường hợp  thoái vốn ACV, cơ quan này cho rằng “chưa phù hợp”, dù trường đó Chính phủ chỉ đạo xây dựng lộ trình rút dần vốn nhà nước.

acv-0951056

Vẫn kẹt ở nhiều “ông lớn”

Theo bộ Tài chính, kế hoạch thoái vốn hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp lớn chưa thực hiện được. Cụ thể, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 – 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Nhưng lũy kế trong giai đoạn từ năm 2016 – tháng 9/2019, cả nước mới thoái được 24.510 tỷ đồng, thu về 170.629 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 90 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị 4.574 tỷ đồng, thu về 8.807 tỷ đồng. Thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg được 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm việc thoái vốn tại Sabeco năm 2017 với giá trị 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng).

Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 16.150 tỷ đồng, thu về 51.429 tỷ đồng (bao gồm việc thoái vốn của SCIC tại Công ty cổ phần Sữa Vinamilk với giá trị là 989 tỷ đồng, thu về 20.276,5 tỷ đồng).

Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị lớn là: Bộ Công Thương (thoái vốn tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam), Bộ Giao thông vận tải (thoái 30,4% vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - Công ty CP và 35,16% vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Công ty CP), Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 Tổng công ty cổ phần); Thành phố Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp),...

ACV chờ “phù hợp”, VNA sẽ thoái bớt 15%

Về trường hợp thoái vốn tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), ngày 15/3/2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 638/VPCP-ĐMDN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tư pháp và các bộ liên quan xây dựng lộ trình thoái vốn nhà nước cụ thể tại Tổng công ty Cảng hàng không theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tình hình hoạt động của tổng công ty hiện đang quản lý các cảng hàng không, sân bay có vị trí, vai trò quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng trong cả nước. Sau khi cổ phần hóa đã xuất hiện những khó khăn vướng mắc, như cơ chế quản lý, khai thác, vận hành khu bay hiện vẫn lúng túng khi giải quyết. Do đó, theo siêu ủy ban, việc tiếp tục giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại ACV là chưa phù hợp.

Ủy ban cũng cho biết, đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), nhà nước sẽ thoái 15% vốn đang nắm giữ để giảm tỷ lệ sở hữu tại VNA xuống còn 71,16% trong giai đoạn 2019-2020. Đồng thời thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn trong giai đoạn 2019-2025 để giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống 51% đảm bảo quy mô vốn điều lệ tương xứng đáp ứng nhu cầu kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính VNA.

Cơ chế còn “nội dung chưa rõ ràng”

Về cơ chế chính sách thoái vốn, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, còn có nội dung chưa rõ ràng dẫn đến doanh nghiệp phải đi xin hướng dẫn từ Bộ Tài chính nên thời gian xây dựng và phê duyệt chậm.

Một số các doanh nghiệp đang trong quá trình xây dựng và triển khai phương án thoái vốn theo nghị định 91/2015/NĐ-CP thì Chính phủ lại ban hành Nghị định số 32/2018/NĐ-CP. Do vậy, phải dừng phướng án cũ chuyển sang phương án mới theo quy định.

Quy định về giá cổ phần mà nhà đầu tư phải thanh toán cho doanh nghiệp nhà nước khi giao dịch ngoài sàn còn chưa hợp lý. Cụ thể, nghị định 32 quy định: trường hợp trong ngày mở cuộc đấu giá công khai chào bán cạnh tranh, ký hợp đồng chuyển nhượng vốn (đối với phương thức thỏa thuận) mà giá giao dịch cổ phiếu trên thị trường tính theo giá sàn cao hơn giá thanh toán thoe giá giao dịch là giá sàn.

Nghị định 32 cũng chưa hướng dẫn cụ thể phương thức xử lý trong trường hợp nhà đầu tư từ chối không mua theo giá sàn tại ngày giao dịch nếu giá nhà đầu tư đặt mua cao hơn giá giá khởi điểm nhưng lại thấp hơn giá sàn của cổ phiếu giao dịch trên thị trường tại ngày giao dịch.

Việc thoái vốn gặp khó khăn do quy mô thị trường còn nhỏ, khó có thể hấp thụ hết toàn bộ số vốn doanh nghiệp cần thoái.

Nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, phức tạp với các cam kết ràng buộc các cổ đông khác như PVI, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh không hiệu quả, khó khăn, đang có các tồn tại về tài chính, đang có vi phạm bị cơ quan nhà nước thanh kiểm tra, điều tra như PVFI, PVC nên quá trình triển khai gặp khó khăn.

Trước những khó khăn đó, Ủy ban đề nghị hoàn thiện quy định về thoái vốn (Nghị định 91, Nghị định 32 và các văn bản hướng dẫn) về cơ sở pháp lý để xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị lợi thế về đất đai đối với đất phi nông nghiệp, đất thuê trả tiền hàng năm và trả tiền một lần, bổ sung hướng dẫn cách xác định tỷ lệ % trên tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước, vốn doanh nghiệp nhà nước để xác định giá trị quyền sở hữu trí tuệ.

Minh Tình
Bạn đang đọc bài viết Thoái vốn nhà nước tại ACV: “Siêu ủy ban” nói chưa phù hợp tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tập trung giải quyết các vấn đề nóng: Giải ngân vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng, cổ phần hóa, thoái vốn
Giải ngân vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là những vấn đề nóng vừa được Chính phủ yêu cầu từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề cao trách nhiệm người đứng đầu, sâu sát công việc, chủ động, phối hợp xử lý những vướng mắc, bất cập.
'Không cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ CPH, thoái vốn nhà nước'
Đây là kiến nghị của Đoàn công tác của UBTVQH về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đoàn kiến nghị chỉ đưa vào Chương trình xây dựng luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13.
Tái cơ cấu DNNN: Nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa nắm bắt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng
Bộ Tài chính đã nhận định như vậy khi có đến 378 doanh nghiệp (chiếm 71%) DNNN chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại. Bộ Tài chính cũng chỉ rõ, các Bộ, ngành, địa phương chưa nắm bắt được tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đó là: Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch, TP Đà Nẵng, Lạng Sơn...
Tái cơ cấu DNNN: Tắc ngay “vòng gửi xe”
Trước thềm Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, nhìn lại thấy còn ngổn ngang trăm mối. Có những việc quan trọng lại tắc ngay từ khâu đầu tiên.